Số lượng người về quê giảm mạnh

Ngày 4-10, tại khu vực ngã tư Dầu Giây, Đồng Nai, từ sáng sớm, từng nhóm 5-10 người đi xe máy mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh về quê. Lượng người về quê qua chốt Dầu Giây trong ngày 4-10 giảm mạnh, chỉ bằng một nửa ngày hôm qua. 

Trước tình hình này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đề nghị các cơ quan chức năng nắm chắc số lượng người dân có nguyện vọng về quê, để vận động công nhân ở lại cùng tham gia với tỉnh phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo thống kê, từ đầu tháng 10 đến nay, Công an Đồng Nai đã hỗ trợ, dẫn đường cho khoảng 8.000 người dân về quê ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Tây, hàng ngàn người về quê tự phát và hiện còn khoảng 10.000 người ở lại. 

Số lượng người về quê giảm mạnh ảnh 1 Người dân ở ngã tư Dầu Giây phát thực phẩm cho người về quê

Tại Bình Dương, trong ngày 4-10, lượng người về quê không tập trung đông như ngày hôm qua. Khu vực chốt cầu chốt giáp ranh với huyện Đồng Phú (Bình Phước), lực lượng chức năng được bố trí khá đông để hướng dẫn, tạo điều kiện cho bà con về quê an toàn. Trong ngày ghi nhận hơn 400 trường hợp về quê các tỉnh thành miền Tây, lực lượng chức năng đã phát hiện 2 người dương tính. Số lượng người về quê ghi nhận giảm mạnh, chỉ bằng 1/10 so với 2 ngày trước đó. 

Tại Bình Phước, đến chiều tối vẫn còn nhiều người đang chờ xét nghiệm tại chốt kiểm soát dịch Tân Lập (huyện Đồng Phú), giáp huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương). Người khi qua chốt kiểm soát phải vào khu vực khai báo y tế, test nhanh Covid-19... và được lực lượng chức năng dẫn đường lên chốt kiểm soát dịch huyện Bù Đăng, giáp huyện Đắk R’Lấp (tỉnh Đắk Nông). Tại thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng, người dân về quê được phát bánh mì, sữa và hỗ trợ mỗi xe máy 2 lít xăng.

Theo thống kê, tỉnh Bình Phước những ngày qua có hơn 35.000 người từ Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM về quê, riêng ngày 4-10 gần 6.000 người, bằng 1/3 so với ngày hôm qua.

Trong hai ngày 3 và 4-10, có hơn 700 người từ các địa phương phía Nam về Lâm Đồng bằng đường bộ trên quốc lộ 20. Có 345 trường hợp được các địa phương đón về thuộc các đối tượng ưu tiên là học sinh về nhập học và các bệnh nhân đi khám bệnh (lên danh sách trước đó).

Chốt kiểm soát vào Lâm Đồng cũng ghi nhận 300 trường hợp đi xe máy; sau đó được xe của các địa phương tới đón thẳng về cách ly theo quy định. Ngoài ra, có 62 trường hợp về các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum được Công an tỉnh Lâm Đồng đưa về đến chốt giáp ranh các tỉnh để bàn giao. 

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng lên kế hoạch đón các nhóm công dân ưu tiên được về địa bàn gồm: người cao tuổi, trẻ em và học sinh đang theo học phổ thông, người khuyết tật, người đang điều trị, khám chữa bệnh, phụ nữ mang thai (từ 6 tháng trở lên), người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (do địa phương rà soát).

Những trường hợp khác đi về từ vùng dịch đã tiêm đủ 2 mũi vaccine khi vào Lâm Đồng phải cách ly tập trung 7 ngày và theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo tại nhà. Trường hợp là công nhân, người lao động, học sinh đến hoặc về từ khu vực có dịch nhưng chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine thực hiện cách ly y tế tập trung 14 ngày và cách ly tại nhà 14 ngày tiếp theo.

Ngày 4-10, bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, tỉnh khuyến cáo người dân địa phương đang sinh sống ở các vùng dịch Covid-19 nên “ai ở đâu thì ở yên đó” nhằm bảo đảm công tác phòng chống dịch. Những người dân đã về, được đưa đi cách ly tập trung theo quy định. Những trường hợp người dân tự phát trở về từ những địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 sẽ bị xử phạt theo quy định về phòng chống dịch.

Trong sáng 4-10, hàng ngàn người dân chạy xe máy theo Quốc lộ 1A về từ TPHCM và các tỉnh phía Nam đã đến địa phận thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Trong số này, nhiều bà con về các tỉnh phía Bắc đã được lực lượng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phân luồng, hướng dẫn bà con đi qua địa phương này theo quy định phòng chống dịch.

Tin cùng chuyên mục