Số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ của các di tích đạt 4.100 tỷ đồng nhưng vẫn... chưa đầy đủ

Theo báo cáo kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc năm 2023 cho thấy, tổng số thu đạt 4.100 tỷ đồng (dù còn nhiều di tích chưa báo cáo, số liệu báo cáo chưa đầy đủ). Đứng đầu danh sách là di tích Miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc (tỉnh An Giang) với số thu công đức, tài trợ năm 2023 là 220 tỷ đồng.

mieu-ba-chua-xu-4574.jpg
Di tích Miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, An Giang

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số thu tại các di tích là cơ sở tín ngưỡng đạt 3.062 tỷ đồng (75%). Có 63 di tích thu trên 5 tỷ đồng, trong đó có 28 di tích thu trên 10 tỷ đồng. Cao nhất là 7 di tích thu trên 25 tỷ đồng, gồm: Miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc (tỉnh An Giang) 220 tỷ đồng; Đền Bảo Hà ở Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) 71 tỷ đồng; Khu di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) 34 tỷ đồng; Đền Sòng Sơn ở Bỉm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) 28 tỷ đồng; Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) 26 tỷ đồng; và 2 di tích ở Hà Nội là: đình La Khê ở quận Hà Đông 28 tỷ đồng và Đền Trình Ngũ Nhạc (chùa Hương) ở huyện Mỹ Đức 33 tỷ đồng.

Số thu tại các di tích là cơ sở tôn giáo 1.038 tỷ đồng (chiếm 25%). Có 15 di tích thu trên 5 tỷ đồng, trong đó chỉ có 4 di tích thu trên 10 tỷ đồng, gồm: Chùa Tranh (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) 10,2 tỷ đồng; Chùa Tàm Xá (Đông Anh, Hà Nội) hơn 10 tỷ đồng; Chùa Ông (Biên Hòa, Đồng Nai) 14,2 tỷ đồng; Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh Cà Mau 14,4 tỷ đồng.

nha tu con dao.jpg
Khu di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo ở Bà Rịa - Vũng Tàu thu 34 tỷ đồng tiền công đức năm 2023

Có 7 tỉnh, thành phố có số thu trên 200 tỷ đồng, gồm: Hà Nội 672 tỷ đồng, Hải Dương 278 tỷ đồng, An Giang 277 tỷ đồng, Bắc Ninh 269 tỷ đồng, Hưng Yên 242 tỷ đồng, Nam Định 215 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Ninh được giao thực hiện thí điểm việc kiểm tra, số thu 4 tháng đầu năm 2023 trên 67 tỷ đồng (đã bổ sung số thu tại Chùa Ba Vàng và một số di tích), ước thu cả năm trên 200 tỷ đồng.

Tổng số chi trong năm 2023 là 3.612 tỷ đồng (một số địa phương có số chi cao hơn số thu do sử dụng số dư năm 2022 chuyển sang), trong đó có các khoản chi cho quản lý, hoạt động lễ hội và khoản lớn nhất là chi cho việc tu bổ, tôn tạo di tích và các công trình phụ trợ.

Cũng theo báo cáo, việc công đức, tài trợ theo hình thức chuyển khoản quét mã QR đang phát triển nhanh, được nhiều người lựa chọn như một thói quen khi đến di tích, dễ nhận thấy ở một số di tích như: Đền Voi Phục và Đền Quán Thánh ở quận Ba Đình, Hà Nội; Đền Cửa Ông ở Quảng Ninh; Đền Hùng ở Phú Thọ; Đền Bảo Hà ở Lào Cai; Đền Chợ Củi ở Hà Tĩnh… Từ năm 2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thí điểm “cúng dường” qua ví điện tử tại một số chùa ở Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, TPHCM, Đồng Nai và Cần Thơ, được các chùa ủng hộ.

Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Tài chính, đa số báo cáo của địa phương cho rằng số liệu báo cáo thu, chi tiền công đức, tài trợ của các di tích, kể cả di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt mới chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ. Tại các di tích là cơ sở tôn giáo về cơ bản đều có hoạt động thu, chi tiền công đức, tài trợ nhưng còn khoảng 31% tương ứng 1.771 cơ sở di tích không báo cáo. Trong số này, có nhiều chùa thuộc sở hữu chung của cộng đồng đã được UBND cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê để phục vụ cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích không báo cáo, với lý do là việc địa phương đưa chùa vào danh mục kiểm kê di tích không có ý kiến nhà chùa.

Tại các di tích là đền, chùa có đặt đĩa, đặt khay trên các ban thờ khiến du khách đặt nhiều loại tiền lộn xộn, không chỉ làm mất đi sự tôn nghiêm, thanh tịnh nơi thờ tự mà còn gây lòng tham cho người khác...

Cùng với đó, việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại không ít di tích chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro, để thất thoát, trộm cắp; một số di tích giao tiền cho cá nhân giữ, đứng tên gửi tiết kiệm, cho các cá nhân vay, đã có trường hợp bị lừa nhiều tỷ đồng. Ví dụ như giao tiền cho cá nhân gửi tiết kiệm tại Đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh; Phủ Tây Hồ ở quận Ba Đình, Đền Rừng ở quận Long Biên, Hà Nội; Đền - Chùa Cái Tắt ở An Dương, Hải Phòng...

phu-tay-ho-4-1.jpg
Phủ Tây Hồ (Hà Nội)

Một số di tích có thói quen giữ tiền mặt mà không gửi vào tài khoản bị kẻ gian lấy trộm, nhiều di tích tiếp nhận tiền trong hòm công đức chưa kịp thời bị kẻ gian cạy phá hòm lấy tiền. Cá biệt, có trường hợp nhân viên ban quản lý di tích lấy trộm tiền công đức bị nhiều người phát hiện, số tiền không nhiều nhưng hành vi trộm cắp tiền công đức đã để lại ấn tượng không tốt với du khách thập phương.

Hiện vẫn còn xảy ra “va chạm” trong việc tiếp nhận tiền công đức, tài trợ tại một số di tích đan xen các chủ thể khác nhau quản lý, nhất là những di tích vừa có cơ sở tín ngưỡng, vừa có cơ sở tôn giáo (cụm di tích gồm đình, đền, miếu, chùa) và một số cụm di tích là cơ sở tín ngưỡng giao khoán cho các hộ gia đình quản lý, làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo.

Tin cùng chuyên mục