Chiều nay 22-5, theo chương trình nghị sự kỳ họp thứ ba của Quốc hội, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Tờ trình dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu tại nghị trường.
Theo hồ sơ dự thảo nghị quyết Chính phủ đã gửi đến Quốc hội trước thềm kỳ họp, Chính phủ nhìn nhận, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu theo hình thức ban hành nghị quyết của Quốc hội là bài toán rất khó. Quá trình xử lý nợ xấu đến nay cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ; nhiều khoản nợ xấu tại các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt có liên quan đến các vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố nên thời gian giải quyết bị kéo dài.
Còn theo cơ quan chủ trì thẩm tra - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì phạm vi điều chỉnh của dự thảo rất rộng, bao gồm cả việc ”xử lý nợ xấu”, xử lý ”tài sản bảo đảm” của các tổ chức tín dụng và tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu cũng như các quyền nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân có liên quan (bao gồm cơ quan tòa án, công an, thi hành án, cơ quan đăng ký tài sản...). Vì vậy, một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra tỏ ra băn khoăn khi nội dung dự thảo không thể hiện được hết tính bao quát như đã nêu tại phạm vi điều chỉnh.
Trong khi đó, theo Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2016 vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi đến Quốc hội, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của NHNN chưa phản ánh đúng thực chất tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Báo cáo của NHNN nêu, tỷ lệ này đến cuối 2015 là 2,55%; nhưng Kiểm toán Nhà nước cho rằng nếu tính đầy đủ cả nợ tồn đọng tại Công ty Quản lý tài sản (VAMC), nợ được cơ cấu lại, nợ chưa chuyển nhóm nợ xấu theo kết luận thanh tra NHNN… thì phải là 8,85%.