506 người mắc Covid-19 tại Cơ sở cai nghiện Bố Lá
Liên quan đến ổ dịch ở Cơ sở cai nghiện Bố Lá (cơ sở cai nghiện của TPHCM đóng tại tỉnh Bình Dương), ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, đây là một trong 12 cơ sở cai nghiện ma túy của TPHCM với 14.000 người cai nghiện bắt buộc. Lúc 21 giờ 30 phút ngày 17-7, tại Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá có 2 nhân viên y tế có biểu hiện sốt, ho.
Ban Giám đốc cho test nhanh, 2 nhân viên này có kết quả mắc Covid-19. Cùng ngày, đơn vị đã khẩn trương test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 cho 34 viên chức, người lao động.
Kết quả, 21/34 người mắc Covid-19. Đến sáng 18-7, cơ sở có liên hệ với y tế địa phương của huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) test toàn bộ 607 người cai nghiện ở đây và 82 nhân viên. Kết quả lúc 15 giờ ngày 20-7, đến có 450/607 người nghiện ma túy bắt buộc cho kết quả dương tính, 157 âm tính. Với nhân viên có 56/82 dương tính. Tổng cộng, cơ sở ghi nhận 506 người mắc Covid-19.
Trong ngày 20 và 21-7, Ban giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM phối hợp với ngành y tế huyện Phú Giáo phân loại 450 người cai nghiện ma túy đưa vào 4 khu để quản lý, còn 56 nhân viên ở một khu. Trong đó 26 nhân viên âm tính phục vụ cho 157 học viên âm tính. Các nhân viên dương tính phục vụ cho các học viên cai nghiện dương tính.
Hiện đang cách ly, khoanh vùng người mắc. Trong đêm nay và sáng mai 22-7, Sở Y tế TPHCM sẽ cử bác sĩ đến đây để sàng lọc, xét nghiệm, chăm sóc, chữa bệnh cho các người mắc ở đây. Nếu người cai nghiện chuyển nặng sẽ chuyển lên Bệnh viện Nhân Ái ở tỉnh Bình Phước. Nhân viên nếu bệnh nặng thì chuyển về tỉnh Bình Dương hoặc Củ Chi.
“Hiện cơ sở đã tăng tiêu chuẩn bữa ăn mỗi ngày lên 80.000 đồng/người để tăng sức đề kháng cho người mắc Covid-19 tại đây. Sở cũng sẽ yêu cầu tất cả các cơ sở khác quản lý nghiêm ngặt cấm trại, không cho nhân viên trực tiếp chăm sóc người cai nghiện ra về mà phải ở lại cơ sở đến khi hết thời hạn giãn cách xã hội”, ông Lê Minh Tấn cho biết.
Về tình hình các doanh nghiệp hoạt động theo chủ trương "3 tại chỗ", "1 cung đường – 2 điểm đến", ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM (Hepza) cho biết, ngay khi TPHCM có chủ trương, Hepza đã nhận 618 hồ sơ đăng ký của các doanh nghiệp vừa sản xuất vừa đảm bảo an toàn theo các tiêu chí "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ), "1 cung đường – 2 điểm đến".
Hepza cùng Sở Y tế và ngành công an đã thẩm định và đến ngày 21-7, trong số 1.412 doanh nghiệp trong khu có 479 doanh nghiệp đã được kiểm tra. Trong số này chỉ cho phép 414 doanh nghiệp được hoạt động, 65 doanh nghiệp không đủ điều kiện an toàn để hoạt động.
Theo ông Phạm Thanh Trực, trong quá trình triển khai kiểm tra, Hepza phối hợp với HCDC và quận huyện, sau khi doanh nghiệp đi vào sản xuất theo chủ trương thì cũng phải định kỳ lấy mẫu tầm soát. Kết quả, có một số doanh nghiệp phát sinh ca dương tính, được xử lý theo quy định của ngành y tế.
Từ 15-7 đến nay, số ca phát hiện giảm so với trước, bình quận 30 ca/ngày, được xử lý triệt để. Về 15 khu đất trống, nhà xưởng dự kiến làm khu nhà ở tạm thời cho công nhân, ông Trực cho biết Hepza sẵn sàng chuẩn bị. Nhưng thời gian gấp, và một số đối tác nước ngoài cũng không đồng ý cho công nhân ở lại trong lều trại.
Về cung cấp điện cho các khu phong tỏa, cách ly, điều trị, ông Luân Quốc Hưng, Phó Giám đốc Công ty điện lực TPHCM cho biết từ khi áp dụng chủ trương giãn cách theo Chỉ thị 16, ngành điện đã tạm dừng tất cả công tác không thiết yếu để tập trung cung cấp cho phòng chống dịch. Hiện đang cung cấp điện 12 chốt phòng chống dịch, 15 bệnh viện dã chiến, hơn 300 bệnh viện, khu cách ly…
Về hai vấn đề người dân quan tâm trong điều kiện dịch bệnh hiện nay là ghi chỉ số điện và thu tiền điện, ông Luân Quốc Hưng cho biết, hiện hơn 80% đo ghi từ xa, gần 20% khách hàng còn lại thì sẽ gọi điện cho khách hàng để tự ghi chỉ số.
Phương án này nếu vẫn không thực hiện được thì sẽ tính trung bình các kỳ trước và bù trừ sau. Việc thu tiền điện chủ yếu qua các ví điện tử và các hình thức thanh toán khác. Nhưng người già neo đơn, người khó khăn về kinh tế, ngành điện cam kết sẽ không ngừng cung cấp điện kể cả chưa có khả năng thanh toán.
Với 7.000 cán bộ công nhân viên chỉ làm việc 30% ở khối gián tiếp. Còn công nhân trực tiếp tiếp xúc khách hàng thì khi vào ca đều phải tầm soát nhanh, trước khi hết ca cũng phải tầm soát trước khi về với gia đình để yên tâm.
Về tiền điện tăng cao, có nguyên nhân khi người dân ở nhà nhiều hơn, dùng máy lạnh, ti vi, nấu ăn… nhiều hơn. Ngành điện cũng khuyến cáo người dân thực hiện 4 đúng: đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách, đúng nhu cầu để tránh tiền điện tăng cao.
Phát biểu kết luận tại buổi họp báo, trả lời cho câu hỏi TPHCM đã chuẩn bị cho tình huống nào khi kết thúc thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16, đồng chí Phan Văn Mãi nhận định: Thời gian qua, số ca dương tính hàng ngày được phát hiện vẫn tăng rất cao, dịch có thể chưa đạt đỉnh và sẽ còn diễn biến phức tạp trong vài ngày tới.
Do vậy, trong ba tình huống mà TPHCM đề ra cách đây một tuần, dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng TPHCM đang đối diện với tình huống thứ hai. Đó là phải tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 và có biện pháp tăng cường, siết chặt hơn nữa ở một số địa bàn. Theo đồng chí, TPHCM cần phải thực hiện để khi 19 tỉnh thành kết thúc giãn cách theo Chỉ thị 16 thì TPHCM cũng sẽ đạt kết quả.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, TPHCM đang chuẩn bị cho tình huống này. Trong đó tập trung tuyên truyền vận động, giám sát để người dân, các tổ chức cá nhân trên địa bàn TPHCM thực hiện giãn cách xã hội triệt để hơn. Với các khu vực nguy cơ cao, đông dân cư, việc thực hiện giãn cách chưa đảm bảo, TPHCM sẽ có tính toán giãn dân để giãn mật độ, giảm tiếp xúc.
Nhân đây, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện triệt để Chỉ thị 16 để trong 1 tuần - 10 ngày tới chặn nguồn lây lan, đạt đỉnh dịch trong thời gian này.
Bên cạnh việc triệt để giãn cách, TPHCM sẽ tập trung cao cho việc phân loại, phân tầng quản lý chăm sóc điều trị F0. Ở tầng thứ nhất, chiếm trên dưới 70% các ca, là những người test nhanh kháng nguyên cho kết quả dương tính (nghi nhiễm) sẽ tạm chờ ở phường, xã, thị trấn.
Nếu sau đó, mẫu đơn RT-PCR có kết quả dương tính, thì F0 không có triệu chứng, không bệnh nền, không có bất thường sẽ được cách ly tập trung tại cơ sở theo dõi, chăm sóc.
Ở hai tầng tiếp theo chiếm khoảng 20-25% số ca, là những người có triệu chứng cần điều trị, có bệnh nền, sẽ được điều trị ở các bệnh viện quận hoặc tuyến cao hơn. Tầng cao nhất là hồi sức hạn chế tử vong. Theo đồng chí Phan Văn Mãi, mô hình phân tầng này sẽ giúp giảm tải, mạch lạc hơn trong chăm sóc, quản lý, điều trị.
Song song 2 biện pháp trên, TPHCM cũng sẽ tăng cường cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhất là cho khu phong tỏa, nhóm gia đình khó khăn. Do giãn cách triệt để, hạn chế tối đa việc ra ngoài thì việc tiếp cận lương thực thực phẩm của các gia đình khó khăn càng khó, nên TPHCM phải tập trung.
Cùng với các biện pháp trên, TPHCM sẽ có sự chuyển hướng. Bên cạnh việc bao vây, làm hẹp vùng đỏ, TPHCM cũng tập trung bảo vệ và mở rộng dần vùng xanh trên bản đồ Covid-19 TPHCM.
Liên quan đến sản xuất an toàn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đánh giá sản xuất của TPHCM cũng rất quan trọng, là công ăn việc làm của hàng triệu công nhân, là kinh tế - xã hội của TPHCM, là câu chuyện mà nếu không tiếp tục sẽ đứt gãy chuỗi sản xuất, thị trường bên ngoài, bên trong cũng sẽ mất, sau này chiếm lĩnh lại thị trường rất khó. Do vậy, TPHCM rất quan tâm vấn đề này.
Thời gian qua, đề ra tiêu chí sản xuất an toàn, nhưng quá trình chuẩn bị chưa kỹ, nên khi áp dụng, có nơi "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 điểm đến" nhưng vẫn không an toàn. TPHCM đã cùng bàn bạc với Hepza, với các hiệp hội để tìm ra những cách thức mới để sản xuất an toàn.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, việc này không phải 2 tuần, 10 ngày mà phải lâu dài, có thể là hết năm nay. Còn nếu cố gượng ép mà vẫn không nghiêm túc, tiềm ẩn yếu tố không an toàn thì trước sau gì cũng xảy ra việc lây nhiễm. Khi đó, doanh nghiệp không sản xuất được nữa và TPHCM phải xử lý hệ lụy.
Trong lĩnh vực cung ứng hàng hóa, mở lại các chợ, đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định không phải “mở lại chợ truyền thống”, mà là “mở lại chợ an toàn”. Các tiêu chí đặt ra là người vận chuyển hàng từ bên ngoài về, người trung chuyển, bốc vác..., từng khâu không tiếp xúc với nhau. TPHCM đã có quy trình, đang cố gắng điều chỉnh để khởi động lại các “chợ an toàn”.
Vấn đề rác thải, nước thải, xử lý các ca bệnh không may không qua khỏi, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết đây là những vấn đề TPHCM cũng chưa có nhiều kinh nghiệm nên xử lý có những việc chưa như mong muốn. Nhưng Ban chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM đã nhìn nhận việc này và yêu cầu ngành chức năng nghiên cứu kinh nghiệm thế giới để triển khai.
“Trong ngày mai 22-7, Thành ủy TPHCM sẽ có định hướng mới cho giai đoạn Chỉ thị 16 nâng cao, tăng cường để các cấp triển khai, với mong muốn những ngày còn lại thực hiện Chỉ thị 16 chung với các tỉnh sẽ kiểm soát được tình hình dịch trên địa bàn TPHCM”, đồng chí Phan Văn Mãi thông tin.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, tổng số khối lượng chất thải y tế, chất thải nguy hại phát sinh hàng ngày tại các khu phong tỏa, bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19... là trên 69 tấn/ngày. Ông Nguyễn Toàn Thắng thông tin tại buổi họp báo Sở TN-MT đã điều phối 4 đơn vị tham gia xử lý. Tổng số phương tiện huy động là trên 95 xe các loại, với 417 công nhân tham gia. Thời gian thu gom căn cứ vào khối lượng phát sinh của các khu, bình quân 1-6 lần/ngày. Sở cũng lập 2 nhóm thông tin nhanh, ứng dụng công nghệ để điều phối đơn vị xử lý cho kịp thời. Trả lời thông tin phản ánh việc thu gom rác ở bệnh viện 1.000 giường gặp khó khăn, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, hiện thu gom có hai công đoạn, một là thu gom ở các phòng ở, phòng điều trị, nhân viên các nơi này sẽ vận chuyển các thùng chứa xuống tầng trệt để nhân viên vệ sinh mang đi. Vừa qua cũng có khó khăn trong việc này, nhưng đã được phối hợp xử lý. |