Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương nêu rõ một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư công hiện hành. Trong đó, việc phân cấp, phân quyền còn chưa triệt để, một số trình tự, thủ tục còn phải trình, báo cáo qua nhiều cấp, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Một số nội dung còn chồng chéo, chưa được quy định cụ thể hoặc còn có nhiều cách hiểu đối với cùng một nội dung, gây lúng túng cho các bộ, cơ quan và địa phương trong quá trình triển khai… Thông tin về dự thảo sửa đổi, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, một nội dung quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cắt giảm thủ tục hành chính.
“Nói nôm na là hạ một cấp thẩm quyền phê duyệt, chẳng hạn nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tới đây có thể giao cho Chính phủ. Đi cùng với đó là phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính linh hoạt, chủ động của các cấp, các ngành trong quản lý”, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT giải thích.
Dự thảo Luật sửa đổi cũng sẽ đa dạng hóa các hình thức, phương thức quản lý, thực hiện dự án; quy định rõ một số nội dung còn phát sinh cách hiểu khác nhau; quy định một số nội dung đặc thù đối với dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài nhằm thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn…
Đại diện các tỉnh, thành dự họp bày tỏ đồng tình cao với nội dung phân cấp, phân quyền; chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Góp ý thêm cho dự thảo, đại diện Hà Nội cho biết, công tác giải phóng mặt bằng thường ảnh hưởng lớn đến tiến độ, tách ra thành dự án riêng là phù hợp.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng Luật Đầu công hiện hành mới được thực hiện khoảng 5 năm, cần đánh giá kỹ những tồn tại, nguyên nhân từ nhiều phía: cơ quan trình và cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đầu tư các cấp, dẫn đến kéo dài thực gian thực hiện, bố trí vốn…
Từ thực tế, đại diện tỉnh Tuyên Quang, cho biết Sở KH-ĐT gặp một số khó khăn về nhân lực, thời gian… trong thẩm định chủ trương đầu tư, nhất là một số dự án chuyên sâu, chẳng hạn về công nghệ thông tin, đề nghị giao cho các sở chuyên ngành.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT tán thành quan điểm này, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu.