Theo thông tin tại phiên giải trình, do số kết luận, kiến nghị kiểm toán tồn đọng, tích lũy nhiều năm, nên tổng số kết luận, kiến nghị kiểm toán cả về xử lý tài chính, xử lý khác, rà soát, sửa đổi, ban hành văn bản pháp luật, kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân chưa thực hiện đến 31-3-2023 còn rất lớn và tồn tại ở hầu hết các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, nhóm kiến nghị về cơ chế, chính sách của Kiểm toán Nhà nước chưa được thực hiện là 699 kiến nghị; nhóm kiến nghị chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đối với niên độ ngân sách nhà nước năm 2020 và năm 2019 trở về trước là 746 kiến nghị.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước tại phiên giải trình cũng cho thấy, các kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác chưa thực hiện tính đến 31-3-2023 là 108.180,2 tỷ đồng. Trong đó, nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán là 63.291,2 tỷ đồng, chiếm 58,5%; nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước là 2.471,1 tỷ đồng, chiếm 2,28%; nhóm nguyên nhân chưa thực hiện do trách nhiệm của bên thứ 3 là 15.510,8 tỷ đồng, chiếm 14,3%; còn lại là nhóm nguyên nhân khác.
Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, kết quả của phiên giải trình này là thông tin hết sức quan trọng phục vụ cho các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.