Thành công của một mô hình hợp tác công - tư
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh, đây là chương trình đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình hợp tác giữa ba bên (gồm cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội - đối tác trong ngành bảo vệ thực vật và người nông dân) nhằm thúc đẩy việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả cũng như các phương thức canh tác bền vững, có trách nhiệm.
Đồng thời, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cũng khẳng định, đây là minh chứng cho thành công trong mô hình hợp tác công - tư của Bộ NN-PTNT để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững và hiệu quả tại Việt Nam, hướng đến sản xuất xanh, năng suất xanh, kinh tế xanh…
Đại diện CropLife Việt Nam, ông Đặng Văn Bảo - Chủ tịch Hiệp hội chia sẻ, ưu tiên hàng đầu của CropLife cùng các thành viên là sức khỏe và sự an toàn của những người tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật, cũng như thể hiện trách nhiệm và tầm nhìn trong hỗ trợ an ninh lương thực, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.
“Chúng tôi hy vọng thành công của chương trình hợp tác thí điểm tại tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục lan tỏa và thu hút sự tham gia tích cực hơn từ các đối tác trong chuỗi giá trị - hướng tới các mục tiêu chung về canh tác nông nghiệp hiện đại, bền vững và có trách nhiệm”.
Tại hội nghị, các đại biểu cùng bà con nông dân đã cùng nhìn lại kết quả nổi bật sau 3 năm triển khai chương trình hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng của từng hoạt động, đồng thời thống nhất chương trình làm việc trọng tâm cho năm 2025.
Hướng đến nền nông nghiệp an toàn và có trách nhiệm
Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao hợp tác của Cục Bảo vệ thực vật và CropLife Việt Nam thông qua các phản hồi và chuyển biến tích cực trong quá trình thay đổi nhận thức của nông dân tại địa phương về sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm.
Theo ông Huỳnh Tất Đạt, tính đến hết năm 2024, chương trình đã tập huấn cho hơn 3.700 nông dân, gần 1.000 đại lý vật tư nông nghiệp và 100 cán bộ kỹ thuật tại tỉnh Đồng Tháp về các nguyên tắc sử dụng và buôn bán thuốc bảo vệ thực vật an toàn, có trách nhiệm. Chương trình cũng đã cấp phát hơn 3.700 bộ đồ bảo hộ lao động cho nông dân sử dụng khi phun và pha chế thuốc.
Bên cạnh đó, ba bên cũng đã phối hợp triển khai 6 mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm trên các cây trồng chủ lực của tỉnh này, bao gồm: lúa, hoa kiểng, sầu riêng, ớt, xoài và cây có múi, với tổng diện tích mô hình đạt trên 350ha và hơn 600 hộ nông dân tham gia.
Trong các năm đầu triển khai, các bên tham gia còn phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp phát động “ngày hội thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng” trên địa bàn 12 huyện, thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Tháp.
Trong hai năm 2022-2023, chương trình đã thực hiện 36 đợt thu gom tại các huyện và 8 đợt tại các mô hình, với tổng khối lượng thu gom hơn 21 tấn bao gói.
Năm 2024 đánh dấu năm đầu tiên, ba bên triển khai thu thập dữ liệu để đánh giá tác động của chương trình đối với thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân. Kết quả sơ bộ cho thấy chương trình đã mang lại những cải thiện đáng kể trong kiến thức, thái độ và thực hành của nông dân cũng như các đại lý cung ứng vật tư.
Đối với nông dân, dữ liệu ghi nhận mức độ hiểu biết rõ về thuốc bảo vệ thực vật tăng từ 6% đến 34% tùy theo chủ đề được tập huấn.
Đối với đại lý cung ứng vật tư, mức độ hiểu biết rõ về các quy định chung liên quan đến buôn bán, chất lượng thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao gói cũng tăng từ 8% đến 18% so với trước.
“Hơn 95% đại lý thời gian qua đã chủ động tư vấn cho nông dân sử dụng đồ bảo hộ lao động cũng như truyền đạt những rủi ro tiềm ẩn liên quan thuốc bảo vệ thực vật”, đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp báo cáo.
Ghi nhận từ đồng ruộng
PV Báo SGGP cùng đoàn công tác đã đến thực tế một số mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón có trách nhiệm và canh tác, sản xuất trái cây hiệu quả ở tỉnh Đồng Tháp.
Tại vựa quýt hồng Lai Vung nổi tiếng, nông dân Nguyễn Văn Đầy - chủ vườn quýt hồng hơn 1ha ở ấp Long Hậu 1 (xã Long Hậu, huyện Lai Vung) cho biết, gần 1.000 gốc quýt hồng, trong đó 50% đã cho thu hoạch với sản lượng dao động 8-9 tấn mỗi năm. Ngoài bán tại chỗ cho du khách tham quan, ông còn bán cho các siêu thị ở TPHCM với giá từ 50.000 đồng/kg. Doanh thu từ quýt mỗi năm là hơn 1 tỷ đồng, còn doanh thu từ du lịch là hơn 500 triệu đồng.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Đầy cho biết, vào năm 2019, vườn quýt của ông cũng như hàng trăm vườn quýt trong vùng bị một căn bệnh vàng lá, thối rễ rồi chết lụi, không ra trái nữa. Bệnh này rất khó phục hồi nên hàng trăm vườn đã bỏ hoang hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của các nhà khoa học và cán bộ trong ngành bảo vệ thực vật, ông Đầy vẫn quyết tâm phục hồi, cứu chữa. Sau ba năm, đến nay, vườn quýt hồng đã phục hồi được gần 100% và dần cho trái sum suê trở lại.
Nguyên nhân quýt bị nhiễm bệnh là do trước đây bà con sử dụng quá nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến làm đất bị ngộ độc thuốc. “Bà con chỉ nghĩ đơn thuần là càng sử dụng nhiều phân bón thì quýt sẽ càng ra nhiều trái, nhưng bây giờ chúng tôi mới hiểu không phải vậy”, ông Đầy nói.
Sau khi chuyển dần canh tác quýt theo hướng hữu cơ (vẫn sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhưng đúng cách và có trách nhiệm), chi phí đầu tư giảm hơn mà hiệu quả kinh tế lại cao hơn. “Trước đây, cứ vài tháng tôi lại phun thuốc một lần, nhưng bây giờ sử dụng phân bón sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, kết hợp cải tạo đất, che chắn lưới… thì có khi vườn chỉ xuất hiện vài con nhện đỏ rồi cũng tự hết”, ông Đầy chia sẻ.
Trao đổi thêm với báo chí bên lề hội nghị, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh, chương trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm đã đem lại hiệu quả kép trong thay đổi nhận thức và thực hành sản xuất, vừa trực tiếp bảo vệ sức khỏe của của người nông dân, vừa bảo vệ môi trường, vừa nâng cao mức độ an toàn và chất lượng của nông sản Việt Nam.
Mục tiêu sắp tới là tiếp tục mở rộng và đẩy mạnh áp dụng chương trình theo hướng hợp tác công - tư để tăng cường quản lý dinh dưỡng cây trồng, quản lý dịch hại tổng hợp, canh tác hữu cơ, sản xuất xanh và nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam.
Tại hội nghị, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội CropLife Việt Nam đã ký kết chương trình hành động năm 2025. Trong thời gian tới, chương trình sẽ mở rộng mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm sang các cây trồng chủ lực khác, đồng thời tập huấn sử dụng máy bay không người lái (drone) để phun thuốc và triển khai đào tạo trực tuyến về sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.
Cục Bảo vệ thực vật cũng sẽ hỗ trợ tỉnh Đồng Tháp xây dựng hồ sơ xin tài trợ từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, tạo nguồn lực cho việc thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Những hoạt động này nhằm thúc đẩy áp dụng các cải tiến trong lĩnh vực bảo vệ thực vật một cách bền vững và có trách nhiệm.