Sở hữu di sản văn hóa - Minh bạch để phát triển

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Chính phủ đã trình Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Di sản văn hóa quy định tại dự thảo luật gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể và di sản tư liệu, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Di sản Tràng An (Ninh Bình) là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước
Di sản Tràng An (Ninh Bình) là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước

Sửa Luật Di sản văn hóa nhằm tăng mạnh sức thu hút nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công tư, ứng dụng khoa học - công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững di sản, và đích đến cao nhất là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đáng chú ý, về sở hữu di sản văn hóa, so với Luật Di sản văn hóa hiện hành, dự thảo luật chuyển từ quy định “Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu nhà nước” thành “Nhà nước đại diện chủ sở hữu di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân”.

Nội dung này cũng được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chú ý, khi thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Ủy ban cho rằng, Chính phủ chưa đề cập lý do sửa đổi các hình thức sở hữu di sản văn hóa, chưa xác định thẩm quyền, tiêu chí công nhận loại hình sở hữu.

Bên cạnh đó, quy định di sản văn hóa phát hiện được mà không xác định được chủ sở hữu, thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ đều thuộc sở hữu toàn dân cũng chưa bảo đảm thống nhất với quy định và nguyên tắc xác lập quyền sở hữu toàn dân tại Bộ luật Dân sự. Do vậy, vấn đề sở hữu di sản văn hóa cần được rà soát, nghiên cứu quy định để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Khi thảo luận quy định về quyền sở hữu di sản văn hóa, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Luật Di sản văn hóa hiện hành công nhận 5 hình thức sở hữu di sản văn hóa gồm: sở hữu nhà nước; sở hữu tập thể; sở hữu chung của cộng đồng; sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hóa; đồng thời, quy định quyền và nghĩa vụ đối với chủ sở hữu di sản văn hóa. Còn dự thảo luật sửa đổi chuyển từ quy định “sở hữu nhà nước” thành “sở hữu toàn dân”, đây là vấn đề cần được cho ý kiến kỹ lưỡng. Đó là chưa kể dự thảo luật chưa xác định thẩm quyền, tiêu chí công nhận loại hình sở hữu. Trên thực tế, hoàn toàn có khả năng xảy ra trường hợp cá nhân, tổ chức sở hữu di sản văn hóa là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia nhưng khi có tranh chấp về sở hữu lại chưa có chế tài xử lý.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, dự thảo luật cần quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, thẩm quyền và trách nhiệm bảo vệ, phát huy di sản văn hóa; giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản văn hóa (nếu có), đồng thời phát huy tối đa vai trò của chủ sở hữu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Cũng có một số đại biểu Quốc hội cho rằng với việc xác lập sở hữu toàn dân, quyền sở hữu di sản văn hóa nếu là tài sản thuộc sở hữu toàn dân thì thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự, chứ không nên quy định tại Luật Di sản văn hóa.

Có thể thấy, nội dung vấn đề sở hữu di sản văn hóa còn nhiều băn khoăn từ phía cơ quan thẩm tra và đại biểu Quốc hội. Đây là vấn đề lớn, cần được tiếp tục nghiên cứu, giải trình thấu đáo. Vì một trong mục đích quan trọng nhất của việc sửa luật là khuyến khích mọi nguồn lực xã hội, các tổ chức, cộng đồng và cá nhân tham gia công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Mà muốn xã hội hóa trong khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa, nên có biện pháp phù hợp với từng loại di tích, từ những di tích “sống” đến những di sản văn hóa khác không thể thực hiện xã hội hóa.

Với cách đặt vấn đề, Nhà nước đầu tư đến đâu, người dân tham gia và hưởng lợi từ khai thác di sản văn hóa đến đâu…, thì nội dung sở hữu di sản văn hóa phải hết sức rõ ràng và bảo đảm sự đồng thuận cao.

Tin cùng chuyên mục