Tràn lan bằng giả, chứng chỉ giả
Th.S Nguyễn Văn Đương, nguyên Phó trưởng Phòng Đào tạo, Đại học Kinh tế TPHCM, bày tỏ: “Hiện nay có khá nhiều bằng ĐH (hệ chính quy) của trường bị làm giả. Hồi tôi còn làm ở trường, mỗi tuần trường đều có công văn trả lời cho các đơn vị nhờ xác minh bằng của trường, và phát hiện từ 5-7 trường hợp giả mạo. Dù trường đã áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ là chứng chỉ quốc tế và kiểm tra rất kỹ, nhưng vẫn có trường hợp sinh viên mua các chứng chỉ giả để nộp”. Nhiều trường ĐH khác như Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM)... cũng cho biết vẫn phát hiện không ít trường hợp bằng của trường, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế bị làm giả.
Ngay cả ở bậc trung cấp, hiệu trưởng một trường trung cấp ở huyện Củ Chi (TPHCM) cho biết, khi xét tốt nghiệp cho học viên, hội đồng nhà trường phát hiện nhiều trường hợp sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học có dấu hiệu nghi vấn. Trường đã có công văn gửi các cơ sở cấp văn bằng, chứng chỉ để xác minh. Theo vị hiệu trưởng này, nếu là bằng giả, chứng chỉ giả thì buộc phải hủy kết quả học tập của học viên và chuyển hồ sơ qua cơ quan chức năng xử lý.
Mới đây, Công an TP Thủ Đức (TPHCM) đã triệt phá một đường dây chuyên làm giả căn cước công dân (CCCD), giấy phép lái xe, bằng đại học, giấy chứng nhận chuyên môn phương tiện thủy nội địa... Khám xét nơi ở của nhóm đối tượng này, cơ quan chức năng thu giữ gần 300 loại giấy tờ nghi vấn làm giả, như: giấy phép lái xe, bằng thạc sĩ, bằng đại học...; nhiều máy móc, thiết bị dùng để sản xuất văn bằng, chứng chỉ giả. Trước đó, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an phối hợp Công an tỉnh Thanh Hóa, Công an TPHCM cũng triệt phá đường dây sản xuất, mua bán bằng cấp, giấy tờ giả. Qua kiểm tra, khám xét 3 địa điểm tại TPHCM, công an thu giữ 2 máy tính, 20 điện thoại di động, 1.000 con dấu giả, 3.000 tem giả, 6.000 phôi bằng cấp giả, 1.100 bằng cấp giả đã in ấn và nhiều máy in màu, máy scan, máy ép nhựa để phục vụ cho hoạt động sản xuất bằng cấp, giấy tờ giả...
Công khai và số hóa quản lý
Theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), hiện công tác xác minh bằng cấp, chứng chỉ nhằm trả lời theo đề nghị của cơ quan thẩm quyền được thực hiện nhanh, gọn theo đúng quy trình. Thường thì nhà trường trả lời trong thời gian từ 1-3 ngày làm việc. Quy định hiện nay cũng yêu cầu các trường công khai danh sách cấp bằng nên công tác tra cứu thuận tiện, đảm bảo tính bảo mật dữ liệu cá nhân. “Chúng ta cần nâng cao nhận thức xã hội, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng giấy tờ giả mạo, bao gồm việc sử dụng bằng cấp giả. Khi cần xác minh, các đơn vị cần sử dụng phương án chính thống để gia tăng tính pháp lý, nâng cao tính nghiêm minh. Các đơn vị khi phát hiện bằng giả phải thông báo cho các bên liên quan và thông báo đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo pháp luật”, PGS-TS Bùi Hoài Thắng nói.
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong các khâu cấp, sao lưu văn bằng là một biện pháp quan trọng trong việc chống sử dụng bằng giả. Trong các năm gần đây, việc số hóa đã được triển khai mạnh mẽ với mục đích nâng cao hiệu quả công tác quản lý và xác minh văn bằng, góp phần quan trọng trong công tác chống lại việc sử dụng văn bằng giả. Công tác này ngày càng được nâng cao với các kỹ thuật công nghệ mới, giúp việc xác minh văn bằng nhanh và thuận tiện hơn.
TS Thái Doãn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TPHCM, cho biết, hiện nay các trường đang thực hiện theo Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục ĐH và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân. Việc xác minh, trả lời về văn bằng, chứng chỉ là một trong những trách nhiệm của cơ sở giáo dục cấp. Để công tác xác minh nhanh gọn, cần thực hiện đồng bộ 2 giải pháp. Một là, tất cả các dữ liệu văn bằng, chứng chỉ phải được hệ thống trong phần mềm quản lý, để khi có yêu cầu xác minh, cơ sở giáo dục sẽ xử lý nhanh. Hai là, công khai dữ liệu văn bằng trên cổng thông tin của cơ sở giáo dục để các cá nhân, tổ chức dễ dàng tra cứu.
Theo TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, sinh viên và người học vì bất kỳ lý do gì mà mua hoặc sử dụng bằng cấp giả đồng nghĩa với việc vi phạm pháp luật, vì vậy tuyệt đối nói “không” với bằng cấp giả. Thậm chí, nhiều trường ĐH hiện nay còn sử dụng biện pháp rất khắt khe, nếu bị phát hiện sử dụng các chứng chỉ giả (trong đó có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế) thì sẽ bị cấm thi 2 năm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sinh viên có nguy cơ bị hủy kết quả học tập.