Thích ứng thực tiễn
Tại TP Đà Nẵng, dịch Covid-19 vừa là khó khăn nhưng đó cũng là thuận lợi đối với ngành du lịch, nhất là doanh nghiệp lữ hành. Khi du lịch Đà Nẵng phát triển, trở thành điểm đến hấp dẫn, các công ty du lịch trực tuyến lớn như Agoda, Booking, Tripadvisor… đầu tư nguồn lực quảng bá điểm đến, khai thác các dịch vụ chính như: đặt vé máy bay, phòng khách sạn, tạo thói quen mua sắm trực tuyến.
Trong bối cảnh đó, theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng buộc phải cạnh tranh, nhanh chóng thích nghi, áp dụng các ứng dụng công nghệ, tạo ra các mô hình kinh doanh và bán hàng trực tuyến đủ sức để cạnh tranh. Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần có sự đầu tư dài hạn về cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính và nhân lực chất lượng cao. Đây vốn không phải là thế mạnh của doanh nghiệp lữ hành từ trước đến nay. Vì thế, họ tìm kiếm cơ hội liên kết với các công ty truyền thông, lữ hành du lịch trực tuyến.
Tuy nhiên để tránh phụ thuộc quá lớn, nhiều đơn vị, nhất là tập đoàn khách sạn xây dựng những trang web tích hợp hệ thống đặt phòng trực tuyến, đưa ra các chương trình khách hàng thân thiết để gia tăng trải nghiệm dịch vụ.
Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội khách sạn Đà Nẵng cho rằng, có 6 yếu tố cần để chuyển đổi số thành công gồm: Nhận định mức độ sẵn sàng chuyển đối số của doanh nghiệp; mục tiêu của doanh nghiệp; chiến lược và lộ trình chuyển đổi số; xây dựng mô hình quản lý quản trị; xây dựng bộ máy chuyển đổi số độc lập; xây dựng văn hóa sáng tạo, sẵn sàng đổi mới.
Với những yếu tố, doanh nghiệp cần có lộ trình cụ thể, đòi hỏi kết hợp 3 yếu tố nhân sự, tổ chức vận hành và hệ thống trong đó có công nghệ thông tin. Với các cơ sở lưu trú lựa chọn mô hình chuyển đổi số có thể áp dụng công nghệ xử lý không chạm; ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng doanh thu; cải thiện tự động hóa và bảo đảm an ninh an toàn…
Ứng dụng công nghệ số tạo đột phá
Để tạo ra các sản phẩm mới và thu hút khách, trong kế hoạch khôi phục du lịch giai đoạn bình thường mới, vừa qua, Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng ra mắt ứng dụng VR360 “Một chạm đến Đà Nẵng” tại địa chỉ htpp://vr360.danangfantasticity.com.
Bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết, hệ thống du lịch ảo cho các điểm đến tại TP Đà Nẵng với tên gọi “Một chạm đến Đà Nẵng” được xây dựng bằng cách tạo ra một nền tảng chung và áp dụng hài hòa giữa công nghệ Scan 3D và VR360. Với ứng dụng, người dùng có thể trải nghiệm tour khám phá Đà Nẵng với thuyết minh tự động 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt với nhiều điểm tham quan nổi tiếng của Đà Nẵng như bán đảo Sơn Trà, biển Đà Nẵng (Mỹ Khê, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Tất Thành)…
Đây là sản phẩm hoàn toàn mới của du lịch Đà Nẵng, trải nghiệm không giới hạn đến cho du khách, góp phần xây dựng hình ảnh một điểm đến Đà Nẵng hiện đại, phong cách, thông minh trong thời gian tới.
“Ứng dụng này với bố cục hình ảnh bắt mắt và chân thật; nội dung hiển thị chi tiết, rõ ràng và dễ tiếp cận; chức năng thuyết minh sống động và hấp dẫn; có thể chat trực tiếp với trung tâm Hỗ trợ du khách, tương tác kết nối với người dùng thông qua tính năng chụp ảnh và săn quà may mắn”, bà An cho hay.
Để từng bước phục hồi, khôi phục du lịch, Trung tâm Xúc tiến du lịch TP Đà Nẵng phối hợp với Viettel Đà Nẵng hợp tác chuyển đổi số trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Đà Nẵng. Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng nền tảng sàn giao dịch trực tuyến, hội chợ du lịch trực tuyến và thẻ du lịch thông minh; xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch cần thiết để tạo các sản phẩm chuyển đổi số trong xúc tiến quảng bá; quảng bá các sản phẩm du lịch thông minh đến các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn.
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, xu hướng du lịch tới đây của khách hàng cũng sẽ ưu tiên mức độ an toàn y tế, bảo đảm sức khỏe, chú trọng đến chất lượng điểm đến, đặt dịch vụ trực tuyến và ưu tiên các chuyến đi nhanh chóng, an toàn tạo ra những trải nghiệm mới lạ so với trước đây. Vì vậy, việc triển khai chuyển đổi số trong ngành du lịch giai đoạn 2021-2025 tạo nền tảng chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong hoạt động du lịch là một trong những nhiệm vụ chính trong kế hoạch khôi phục lần này.