Số hóa học bạ - lợi đủ đường

Giữa tháng 3 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Học bạ số là học bạ được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý để sử dụng trên môi trường số. Học bạ số đảm bảo lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về học sinh và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong quá trình học tập; đồng thời đảm bảo nhất quán, toàn vẹn thông tin khi học bạ đã được phát hành (không thể thay đổi thông tin). Trước mắt, Bộ GD-ĐT thí điểm thực hiện đối với các khối lớp 1, 2, 3, 4 năm học 2023-2024.

Học bạ điện tử có nhiều lợi thế, ưu điểm, một số địa phương cũng đã triển khai, như Lạng Sơn đã triển khai học bạ điện tử trên phạm vi toàn tỉnh 3 năm nay. TP Hà Nội cũng vừa ban hành kế hoạch triển khai thí điểm học bạ số ở các trường phổ thông, thực hiện lộ trình sử dụng học bạ số thay thế học bạ giấy từ tháng 4-2024.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, đến nay, ngành giáo dục đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu chung, kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia; số hóa, gắn mã định danh 53.000 trường mầm non, phổ thông, gần 24 triệu học sinh, hơn 1,4 triệu giáo viên. Ngoài ra, ngành giáo dục đã hoàn thành kết nối, chia sẻ thông tin trên cơ sở dữ liệu ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nền tảng này giúp ngành giáo dục thuận lợi trong chuyển đổi số.

Số hóa học bạ là việc mới, khó, tác động đến số lượng lớn học sinh. Với điều kiện kinh tế - xã hội, năng lực trình độ, cơ sở vật chất khác nhau nên rất cần thận trọng từng bước, kỹ lưỡng, tuy nhiên cần sớm áp dụng đại trà để mang lại lợi ích cho giáo viên, học sinh, người dân. Những nơi có điều kiện bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai học bạ số như TP Hà Nội có thể sớm số hóa học bạ hoàn toàn để tạo thuận lợi cho người dân và học sinh.

Tin cùng chuyên mục