Gian nan xin giấy chuyển tuyến
Có con đang điều trị viêm cầu thận ở bệnh viện tuyến tỉnh, anh Ngô Văn Vũ (ngụ tỉnh Kiên Giang) đề nghị được chuyển con lên điều trị tại bệnh viện tuyến trên ở TPHCM. Tuy nhiên, yêu cầu này của anh Vũ bị từ chối với lý do bệnh viện tuyến tỉnh cũng có chuyên khoa điều trị. Sau nhiều lần xin chuyển tuyến bất thành, anh Vũ buộc phải cho con xuất viện và tự vượt tuyến lên tuyến trên.
“Dẫu biết nếu không có giấy chuyển tuyến thì lên tuyến trên không được hưởng BHYT theo tỷ lệ quy định, nhưng gia đình tôi đành phải tự vượt tuyến vì lo cho sức khỏe của con, bởi lên tuyến trên thấy yên tâm hơn”, anh Vũ chia sẻ. Còn chị Bùi Thị Hạnh (52 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) cho biết, chị đã được phẫu thuật ung thư vú tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM từ 2 năm trước, nhưng thỉnh thoảng vẫn phải trở lại để khám lại, xạ trị, hóa trị theo chỉ định. Mỗi lần đến đợt điều trị, chị Hạnh phải xin giấy chuyển tuyến từ nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là bệnh viện tuyến huyện nơi cư trú. “Việc xin giấy chuyển lên tuyến trên khá mất thời gian và phải trải qua nhiều thủ tục, nhưng để có thể được hưởng đầy đủ quyền lợi của BHYT, tôi đành chấp nhận”, chị Hạnh bày tỏ.
Theo ghi nhận, để có giấy chuyển tuyến từ tuyến dưới, nhiều người bệnh đã phải chấp nhận đi khám bệnh, thực hiện các bước siêu âm, X-quang, xét nghiệm… ở tuyến dưới trước, dù kết quả này hoàn toàn không được chấp nhận khi khám và điều trị ở tuyến trên. Cũng có người phải nhờ đến quan hệ, xin xỏ để có được tấm giấy “thông hành” này. Trước thực tế trên, có ý kiến cho rằng nên bỏ giấy chuyển tuyến để giảm bớt sự nhiêu khê trong quá trình khám chữa bệnh BHYT cho người dân. Tuy nhiên, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế ), cho rằng, với điều kiện hiện nay, việc bỏ quy định về giấy chuyển tuyến là không khả thi. Nếu bỏ giấy chuyển tuyến thì người bệnh sẽ đổ dồn lên các bệnh viện tuyến trung ương, gây quá tải và xáo trộn cả hệ thống khám chữa bệnh, đồng thời làm mất cân đối Quỹ BHYT.
Bên cạnh đó, các cơ sở tuyến trung ương ngoài tập trung điều trị bệnh nặng còn phải triển khai kỹ thuật chuyên sâu, đào tạo, nghiên cứu khoa học… nên không thể tập trung vào khám và điều trị các bệnh lý thông thường, chăm sóc ban đầu.
Số hóa để giảm phiền hà
Mới đây, Bộ Y tế đã ra quyết định sửa đổi, bổ sung quy định và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ việc quản lý, giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh và giải quyết các chế độ liên quan. Theo đó, từ ngày 1-4-2024, các cơ quan BHXH và các bệnh viện trong cả nước sẽ bắt đầu triển khai kiểm thử việc gửi và nhận dữ liệu điện tử giấy chuyển tuyến BHYT và giấy hẹn khám lại, tiến tới triển khai chính thức trong toàn quốc từ ngày 1-7-2024.
Trong năm 2024, Bộ Y tế sẽ phối hợp cùng Bộ Công an, BHXH Việt Nam nghiên cứu, triển khai tích hợp giấy chuyển tuyến BHYT và giấy hẹn khám lại trên các ứng dụng VNeID, VssID. “Đây là một nỗ lực trong chuyển đổi số lĩnh vực BHYT, tiến tới loại bỏ hoàn toàn giấy chuyển tuyến và giấy hẹn khám lại bản giấy”, một lãnh đạo Bộ Y tế nhận xét. Theo bà Trần Thị Trang, khi 2 loại giấy tờ trên được tích hợp trên ứng dụng VNeID, VssID, người bệnh khi làm thủ tục chuyển tuyến hoặc khám lại chỉ cần xuất trình giấy chuyển tuyến điện tử hoặc giấy hẹn khám lại điện tử trên ứng dụng VNeID hoặc VssID (có tích hợp sẵn mã QR).
Việc triển khai điện tử 2 loại giấy này giúp rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho người bệnh, cơ sở khám, chữa bệnh khi tiếp nhận, làm các thủ tục chuyển tuyến/khám lại, hạn chế các hành vi gian lận, giả mạo trong công tác chuyển tuyến; hỗ trợ cơ quan BHXH trong công tác giám định, thanh toán BHYT.
Ở góc độ bệnh viện, theo TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, giấy chuyển tuyến rất quan trọng bởi cung cấp các thông tin như tình trạng bệnh nhân, kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, thông tin thuốc, phương pháp thủ thuật, kỹ thuật đã sử dụng cho người bệnh. Khi người bệnh được chuyển về tuyến dưới thì giấy chuyển tuyến cũng là căn cứ để có thể không cần thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe, giúp tiết kiệm chi phí cho người bệnh và xã hội. Ngoài ra, việc xin giấy chuyển tuyến cần đảm bảo đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho người bệnh và khả năng khám chữa bệnh từng tuyến, tránh dồn lên hết tuyến trên.
Việc này còn giúp tránh tạo khoảng cách về chuyên môn kỹ thuật giữa tuyến trên và tuyến dưới. “Trong bối cảnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu, việc số hóa giấy chuyển tuyến cũng như triển khai hồ sơ bệnh án điện tử để đơn giản thủ tục cho người bệnh và có thể liên thông được giữa các cơ sở khám chữa bệnh là yêu cầu bắt buộc”, TS-BS Diệp Bảo Tuấn thông tin.
Đồng quan điểm, BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM), cho rằng, cần ứng dụng chuyển đổi số trong giấy chuyển tuyến để tạo thuận lợi cho người bệnh. Và để có thể thực hiện một cách suôn sẻ và đồng bộ, quan trọng nhất là sự liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Về lâu dài, cần có các chiến lược, chính sách nâng cao chất lượng y tế tuyến dưới để hạn chế chuyển tuyến không cần thiết, người dân yên tâm và chấp nhận điều trị ở tuyến dưới.
Theo Bộ Y tế, để hạn chế các vấn đề tiêu cực phát sinh trong việc xin giấy chuyển tuyến, bộ sẽ rà soát các quy định chế tài xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính đối với cơ sở y tế vi phạm quy định về chuyển tuyến. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí chuyển tuyến một cách cụ thể hơn, như trường hợp bệnh nặng, đến mức nào phải chuyển lên tuyến trên, nhằm đảm bảo công khai, minh bạch trong chuyển tuyến.