Dự án chia làm các giai đoạn: thực hiện, từ tháng 3 đến tháng 8-2024; thử nghiệm, tháng 8-2024; khánh thành và trao tặng, tháng 9-2024.
Mục tiêu của dự án là xây dựng một bảo tàng ảo bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến như máy scan 3D, máy scan hồng ngoại và công nghệ Photogrammetry để thu thập dữ liệu từ hiện vật và công trình thực tế. Từ đó, chuyển thành mô hình 3D trong không gian máy tính.
Bảo tàng ảo sẽ cho phép khách tham quan trải nghiệm thông qua các thiết bị di động, máy tính hoặc kính thực tế ảo chuyên dụng. Du khách sẽ có cơ hội tương tác với các hiện vật trong không gian ba chiều, dễ dàng truy cập thông tin chi tiết và đắm chìm trong không gian âm thanh, hình ảnh sống động.
Đặc biệt, khác với nhiều dự án số hóa bảo tàng, dự án lần này ứng dụng các công nghệ cao nhất hiện nay cho việc số hóa hiện vật bảo tàng, cho phép tái hiện hiện vật với độ chi tiết rất cao. Thậm chí, công nghệ MR (Mixed Reality) sẽ kết hợp giữa thế giới thực và thế giới ảo, cho phép khách tham quan có thể can thiệp vào môi trường trưng bày, từ đó có thể tương tác với các hiện vật như trong thực tế.
Ông Nguyễn Long Hưng - điều hành dự án - bày tỏ: “Sau khi hoàn thành và đi vào vận hành, dự án này sẽ là bảo tàng ảo đầu tiên tại Việt Nam tích hợp nhiều công nghệ đồ họa tiên tiến trên nền tảng VR/AR/MR/hướng dẫn viên ảo. Công nghệ VR (Virtual Reality) cho phép du khách trải nghiệm không gian bảo tàng ảo khi đeo kính VR3D hoặc thông qua các thiết bị di động và màn hình tương tác có kết nối Internet. Hình ảnh bảo tàng sẽ được thể hiện trung thực, sống động nhờ vào việc số hóa toàn bộ không gian và hiện vật. Khách tham quan có thể tương tác hiện vật trong không gian ảo để xem hình ảnh phóng lớn cùng các thông tin chi tiết”.
PGS-TS Võ Đình Bảy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH), chia sẻ: “Tôi hy vọng rằng, kết quả khả quan của dự án sẽ là một trong những bước khởi đầu thiết thực cho thấy tiềm năng phát triển, phối hợp giữa công nghệ và nghệ thuật với nhau”.