Các giao dịch của người dân liên quan tới các thủ tục hành chính hay các giao dịch dân sự chuyển sang môi trường số, ứng dụng công nghệ trong quá trình giao dịch. Tuy vậy, vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa sẵn sàng liên thông dữ liệu…, có nguy cơ ảnh hưởng tới tính hiệu quả của Luật Cư trú.
Nhiều thủ tục cần chứng minh nơi cư trú
Theo báo cáo của Bộ Công an, giai đoạn trước ngày 1-7-2021, các bộ, ban, ngành có hơn 110 thủ tục hành chính (TTHC) yêu cầu người dân xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và 83 TTHC sử dụng thông tin về nơi cư trú. Từ ngày 1-7-2021 đến nay, mặc dù bộ, ngành, địa phương đã rà soát, sửa đổi, không quy định sổ hộ khẩu trong thực hiện TTHC, nhưng vẫn còn 42 TTHC yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ chứng minh thông tin về cư trú. Ở nhiều địa phương, hầu hết các TTHC vẫn yêu cầu công dân phải nộp hoặc xuất trình giấy tờ chứng minh về nơi cư trú để thực hiện TTHC.
Theo báo cáo của Ủy ban Pháp luật Quốc hội, thực hiện Luật Cư trú mới, các tỉnh, thành phố đã thực hiện thu hồi một số lượng lớn sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi công dân thực hiện thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Trên thực tế, rất nhiều hộ gia đình sau khi nộp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cho cơ quan công an để lưu trữ thì gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các TTHC. Mặc dù đã được cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip nhưng các cơ quan vẫn yêu cầu nộp bản sao y có chứng thực sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú để thực hiện các TTHC.
Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết hiệu lực từ ngày 1-1-2023. Ảnh: BCA |
Trao đổi với phóng viên, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng (Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an) nêu thực trạng tiến độ kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư ở các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế. Hiện mới có 13 bộ, ngành; 4 doanh nghiệp nhà nước cùng với 24 địa phương, một số đơn vị quản lý của Bộ Công an… thực hiện liên thông dữ liệu.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân
Đây là quan điểm của Bộ Công an khi chỉ đạo triển khai giải quyết các TTHC đối với công an các cấp, đặc biệt trong vấn đề cấp CCCD gắn chip, cấp tài khoản định danh điện tử, để người dân có điều kiện thuận lợi khi thực hiện các giao dịch dân sự, các TTHC trên môi trường số.
Trong khi đó, Nghị định số 104 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công mới được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-1-2023 cũng nêu rõ: cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công.
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng cho biết, để việc triển khai Luật Cư trú được thống nhất, hiệu quả, tạo thuận lợi và giảm phiền hà cho người dân sau khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bị thu hồi hay hết hiệu lực từ ngày 1-1-2023, người dân có thể sử dụng 7 phương thức giao dịch thay sổ hộ khẩu được Bộ Công an công bố.
Bộ Công an đã có văn bản đề nghị các cơ quan, tổ chức, các bộ, ban, ngành, địa phương căn cứ thông tin trên CCCD, thông tin trên số định danh cá nhân để xác nhận thông tin về cư trú khi giải quyết các TTHC, giao dịch dân sự, không yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Cũng theo lãnh đạo Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, trước khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết hiệu lực, công dân cần cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, khẩn trương làm CCCD gắn chip, bởi những thông tin liên quan về cư trú của công dân đều được cập nhật tại cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dựa trên mã định danh cá nhân thông qua ứng dụng VNeID của Bộ Công an.
Bộ Công an đang xây dựng dự thảo nghị định sửa các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công; trong đó, đã bổ sung quy định nhiều cách thức được ưu tiên để khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay thế việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Các phương thức giao dịch thay cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú
* Sử dụng CCCD gắn chip. Khi công dân xuất trình CCCD, cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin đã có trên CCCD.
* Sử dụng thiết bị đọc mã QR trên thẻ CCCD có gắn chip.
* Sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ.
* Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng khi thực hiện TTHC, giao dịch dân sự.
* Sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các TTHC, giao dịch dân sự.
* Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú.
* Sử dụng thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức nêu trên, theo Nghị định 104, thì người được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú.
Các loại giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú bao gồm: Thẻ CCCD, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.