So với dự thảo luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý tại 42 điều.
Về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận về dự thảo luật này, ông Tùng cho biết, mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội đều tán thành với việc cần chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú mới và nhất trí quy định luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021 như đề xuất và cam kết của Chính phủ. Song nhiều ý kiến đề nghị trong luật cần có một số quy định có tính chất chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, gây khó khăn, phiền hà cho người dân.
Qua thảo luận, đa số ý kiến đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31-12-2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong trường hợp này không được coi là công cụ quản lý cư trú như hiện nay mà chỉ đơn thuần là giấy tờ xác nhận nơi cư trú công dân.
Một số ý kiến nhất trí với quy định như trong dự thảo luật đã trình tại kỳ họp thứ 9 là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị kể từ thời điểm luật này có hiệu lực thi hành là từ ngày 1-7-2021.
“Do ý kiến còn khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thiết kế nội dung này thành 2 phương án tương ứng với 2 loại ý kiến nêu trên tại khoản 3 Điều 38 của dự thảo Luật để đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận”, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.
Về vấn đề này, các ý kiến phát biểu tại phiên họp cũng ủng hộ phương án 1 (cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31-12-2022).
ĐB Trần Thị Dung (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) nói: “Việc cho phép người dân tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ tránh được việc làm phát sinh thêm thủ tục, thêm khó khăn, phiền phức cho người dân, tạo áp lực quá lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm luật mới có hiệu lực thi hành, trong khi không làm ảnh hưởng gì đến quyết tâm của Chính phủ chuyển đổi sang phương thức quản lý dân cư mới”.
Về điều kiện đăng ký thường trú (Điều 20), ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến nhất trí với nội dung dự thảo luật là cần quy định mức diện tích bình quân về chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ làm điều kiện đăng ký thường trú; tuy nhiên, một sốý kiến còn băn khoăn bởi việc giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức diện tích bình quân về chỗ ở có thể sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử trong thực hiện quyền cư trú của người dân giữa các địa phương.
Qua thảo luận, hiện có 2 loại ý kiến về vấn đề này.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định một trong các điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ là phải bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m² sàn/người. Mức diện tích nhà ở tối thiểu 8m² sàn/người cũng là chỉ tiêu được xác định cần hoàn thành trong năm 2020 được nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và mức tối thiểu 8m² sàn/người hoặc cao hơn cũng được đưa thành chỉ tiêu phấn đấu của hầu hết các địa phương trong cả nước.
ĐB Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) tán thành quan điểm này và phân tích: “Điều kiện mỗi địa phương là rất khác nhau, nên giao cho HĐND cấp tỉnh quy định là phù hợp, trên cơ sở mức “sàn” là 8m²/ người”.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị không nên quy định diện tích nhà ở tối thiểu là điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ, vì không bảo đảm bình đẳng về quyền có điều kiện sống thiết yếu giữa người thuê, mượn, ở nhờ nhà với người đăng ký thường trú theo diện sở hữu nhà ở hoặc chuyển về ở cùng người thân (vì các đối tượng này lại không bị giới hạn bởi điều kiện về diện tích nhà ở).
Loại ý kiến này đề nghị lựa chọn tiêu chí là có thời gian tạm trú từ 1 năm trở lên tại địa bàn là điều kiện xem xét đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ để phù hợp với định nghĩa về nơi “thường trú”.
Về điều kiện đăng ký tạm trú, đa số ý kiến đề nghị không quy định điều kiện đăng ký tạm trú là “phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý” trên cơ sở lập luận khi đồng ý cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ thì chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đã đương nhiên chấp nhận cho người thuê, mượn, ở nhờ được sinh sống thường xuyên ở chỗ ở đó. Quy định như vậy cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có nhà ở cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, góp phần hạn chế tình trạng cho người lao động ngoại tỉnh thuê, ở nhờ nhà mà không đăng ký, khai báo dẫn đến khó kiểm soát như hiện nay.
Một số ý kiến tán thành quy định như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 là người đăng ký tạm trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bởi đây là quy định của luật hiện hành.
Ý kiến này cũng cho rằng, việc sử dụng chỗ ở hợp pháp là quan hệ dân sự giữa người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ với người đi thuê, mượn, ở nhờ. Theo đó, khi người đi thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký tạm trú vào chỗ ở này thì phải có sự thỏa thuận, đồng ý của người cho thuê, mượn, ở nhờ chứ không phải đương nhiên được đăng ký tạm trú.