Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các trường cập nhật, bổ sung chương trình bổ trợ tiếng Anh

Sáng 12-4, tại Trường Đại học Sài Gòn (quận 5, TPHCM), hơn 500 cán bộ quản lý đến từ các phòng GD-ĐT, trường tiểu học công lập trên địa bàn TPHCM đã tham gia Hội nghị sơ kết triển khai chương trình tiếng Anh, Toán, Khoa học thực nghiệm năm học 2023-2024.

Báo cáo tại buổi sơ kết, đại diện Trung tâm Ngoại ngữ Liên lục địa - đơn vị triển khai chương trình tiếng Anh, Toán, Khoa học thực nghiệm, cho biết, năm học 2023-2024, chương trình triển khai tại 45 trường tiểu học công lập với hơn 20.000 học sinh theo học.

Hiện nay, chương trình được triển khai với thời lượng 2 tiết/tuần theo giáo trình Amazing Science & Math in My World do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, thực hiện theo hình thức xã hội hóa.

z5340664809464_9376c874ed113ab8a677bce55b65e145.jpg
Toàn cảnh hội nghị

Chương trình giảng dạy tiếng Anh thông qua các hoạt động thực nghiệm như trò chơi tương tác, hoạt động thủ công, xây dựng mô hình, thí nghiệm khoa học...

TOAN5375.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Phú Lâm (quận 6) học chương trình tiếng Anh, Toán, Khoa học thực nghiệm

Cô Đinh Thị Phương Trinh, Tổ trưởng Bộ môn tiếng Anh, Trường Tiểu học Thực hành (Trường Đại học Sài Gòn) nhận định, việc kết hợp dạy kỹ năng ngoại ngữ với thực hiện thí nghiệm khoa học, tạo ra sản phẩm ứng dụng trong thực tế, giúp tăng thêm hứng thú học tập cho học sinh, qua đó giúp các em biết ứng dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, dạy học tiếng Anh thông qua thực nghiệm là một trong những chương trình bổ trợ tiếng Anh cho học sinh tiểu học.

z5340664789967_b88f2e8259d3c0a9f8a91f46fa43428f.jpg
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc phát biểu tại hội nghị sơ kết

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý, các đơn vị thực hiện phải đảm bảo đúng định hướng của các đề án giáo dục của thành phố, trong đó thực hiện đúng quy định về nhân sự, nội dung chương trình với chất lượng chuyên môn đặt lên hàng đầu.

"Sau mỗi năm thực hiện, trường học và đơn vị thực hiện cần lắng nghe ý kiến phản hồi từ giáo viên, phụ huynh và học sinh, không chỉ giải quyết các sự vụ đơn lẻ mà nghiêm túc tiếp thu để chương trình có sự cập nhật, điều chỉnh phương pháp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học", ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục