Khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp
Mở đầu chương trình đối thoại, bà Trần Hải Yến, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM cho biết, năm học 2022-2023, đội ngũ cán bộ, giáo viên và gần 2 triệu học sinh thành phố đã cơ bản hoàn thành kế hoạch năm học, đẩy mạnh công tác giảng dạy ngoại khóa, kỹ năng sống, trải nghiệm sáng tạo, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý.
Các khách mời tham gia chương trình |
"Nhìn chung, chất lượng giáo dục của thành phố từng bước được củng cố và nâng lên rõ rệt, năm sau cao hơn năm trước, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra. Tuy nhiên, toàn ngành vẫn còn nhiều khó khăn như hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, tình hình nhân sự giảng dạy chưa đảm bảo… đòi hỏi cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho năm học mới", Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM bày tỏ.
Làm rõ hơn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam cho biết, hàng năm ngành giáo dục và đào tạo đối mặt với nhiều khó khăn như số lượng học sinh tăng cơ học cao gây áp lực đối với việc đảm bảo đủ chỗ học, sĩ số học sinh/lớp cao hơn quy định ảnh hưởng chất lượng triển khai chương trình mới, thiếu giáo viên ở một số bộ môn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh... gây khó khăn cho các trường học.
Song song đó, tiến độ xây dựng trường học hiện nay còn chậm so với yêu cầu do một số quy định về quy hoạch, quy chuẩn xây dựng trường lớp chưa phù hợp thực tế tại TPHCM.
Cùng với đó, việc thực hiện chuyển đổi số, một mặt mang lại nhiều kết quả tích cực song cũng là thách thức lớn với toàn ngành, đòi hỏi thay đổi tư duy, nâng cao trình độ công nghệ thông tin của đội ngũ, tăng cường bổ sung trang thiết bị.
Ở góc độ địa phương, Phó chủ tịch UBND quận 7 Nguyễn Thị Bé Ngoan thông tin, để chuẩn bị cho năm học 2023-2024, quận 7 bổ sung thêm khối công trình gồm 8 phòng học, đáp ứng chỗ học cho học sinh lớp 6 gia tăng đột biến trong năm học này.
Tại chương trình, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam cho biết, công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024 đã cơ bản hoàn tất. Hiện nay, việc chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp, bồi dưỡng giáo viên đã hoàn thành, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024.
Một trong những điểm mới của năm học này là TPHCM quy định danh mục 26 khoản thu ngoài học phí đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập. Các trường không được tổ chức thu thêm khoản thu ngoài danh mục quy định, đồng thời quy định mức thu không được vượt quá quy định tối đa tại Nghị quyết 04/2023/NQ-HĐND (ngày 12-7-2023) của HĐND TPHCM về quy định các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TPHCM trong năm học 2023-2024.
Đảm bảo học sinh có đủ sách giáo khoa
Liên quan đến lo lắng của nhiều phụ huynh về việc khó tìm mua sách giáo khoa thời điểm đầu năm học, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam cho biết, Sở GD-ĐT TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị trường học hỗ trợ cung cấp sách giáo khoa cho học sinh.
Học sinh tìm mua sách giáo khoa đầu năm học mới |
Hiện nay, trường học đã hoàn thành việc cung cấp sách giáo khoa cho học sinh. Riêng đối với các đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường lập danh sách, có phương án hỗ trợ học sinh, như: cho học sinh mượn sách ở thư viện, tiếp nhận các nguồn sách cũ...
Về phía các phòng GD-ĐT quận, huyện, ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT quận 3 cho biết, hiện nay, các thư viện trường học đều được trang bị đầy đủ các bộ sách giáo khoa để giáo viên linh hoạt sử dụng.
Trước đó, cuối năm học 2022-2023, các trường học tổ chức quyên góp sách giáo khoa đã qua sử dụng để tặng lại học sinh nghèo.
"Các thầy, cô giáo hiện nay đã chủ động trong việc lựa chọn ngữ liệu dạy học, tham khảo nhiều nguồn tư liệu để nâng cao chất lượng giảng dạy cho học sinh, Do đó, phụ huynh không cần thiết phải mua thêm sách bài tập cho học sinh, chỉ trang bị nếu học sinh thật sự có nhu cầu", ông Phạm Đăng Khoa cho biết.