Cụ thể, năm nay lần đầu tiên con số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản vượt 100.000 doanh nghiệp, lên đến gần 107.000 doanh nghiệp (gồm số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 27.100 doanh nghiệp, có 63.500 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và 16.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể). Trong khi đó, số liệu doanh nghiệp đăng ký thành lập mới do Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố thì cả nước có chưa tới 131.300 doanh nghiệp thành lập mới. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động của các năm trước, nay quay trở lại hoạt động đạt 34.000 doanh nghiệp.
Được biết, tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 1.478.100 tỷ đồng. Sự tăng trưởng của các loại hình doanh nghiệp không như kỳ vọng, chủ yếu ở lĩnh vực bất động sản - lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội không nhiều - có số tăng trưởng thành lập mới cao nhất, đến 40%. Trong khi các ngành sản xuất thực như công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn trung bình cả nước, chỉ ở mức 0,07%.
Bên cạnh đó, lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản lại tập trung vào các ngành: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo... là những ngành mà nhà nước muốn khuyến khích phát triển. Điển hình, ngành chế biến, chế tạo là ngành có đóng góp tích cực cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp và nền kinh tế thì lại có số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản lên đến 5.500 doanh nghiệp, chiếm đông nhất trong tổng số doanh nghiệp dừng hoạt động.