Dì tôi bị đột quỵ, nằm một chỗ hơn hai năm và mới mất trước khi tôi về thăm được 1 tháng. Tôi đi học xa nhà nên dự định nghỉ hè sẽ về thăm dì. Nào ngờ dì đã đi xa mãi mãi. Nhưng khi mẹ tôi, chị của dì kể về nỗi bất hạnh của dì trước khi giã biệt cuộc đời, tôi càng buồn hơn. Ngẫm lại không sai, “cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày”…
Dì có 4 mụn con, 1 trai, 3 gái và ai cũng đã yên bề gia thất. Thời còn trẻ, dì là người chịu khó, tần tảo buôn bán nuôi con cái ăn học đàng hoàng. Cả họ đều khen dì đảm đang, không nề hà việc gì miễn là kiếm thêm thu nhập cho gia đình, sửa sang nhà cửa, mua sắm thêm đồ đạc để con cái bớt cực. Rồi tai họa ập đến khi chồng dì đi làm xa bị tai nạn giao thông và mất ở tuổi 35. Một nách 4 con nhỏ, dì cố vượt qua cảnh đơn chiếc, làm lụng nhiều hơn, ngủ ít hơn. Có gì ngon nhất, bổ nhất dì cũng dành cho con cái. Tôi còn nhớ, mỗi lần về thăm dì, thấy dì cực nhọc, vừa nuôi heo, nuôi gà vừa buôn bán nhỏ, mẹ tôi cứ ngậm ngùi, thương cảm. Thời gian trôi qua, các con của dì đều lớn khôn và ai cũng có việc làm ổn định, tuy không giàu sang nhưng cũng đủ đầy, nhà cửa ổn định.
Bước qua tuổi 70, thấy mình đã già nên dì bàn với các con bán căn nhà từ đường, tài sản chắt chiu mồ hôi nước mắt từ thời trẻ để chia đều cho con cháu. Mọi người đồng ý và anh trai cả nhận nuôi mẹ. Nhà ở thị trấn nên giá trị cũng không lớn nhưng ai nhận được món quà của mẹ cũng vui. Thương con cháu và muốn giúp con có thêm điều kiện ăn học, mua sắm xe cộ, thiết bị hiện đại để học tập… nên dì từ chối không nhận về mình một phần tiền nào để dưỡng già. Có lẽ lúc cho con cháu tất cả những gì mình có, dì tôi cũng như bao bà mẹ Việt khác đều cảm thấy hạnh phúc. Bởi lẽ họ đã quen hy sinh, cả đời chỉ biết cho nên nghĩ đơn giản giữ thêm chút tiền cũng không làm gì. Và họ cũng chẳng hề nghĩ đến lúc mình già yếu, nằm một chỗ, con cái của mình lại tính toán, so đo hơn thiệt.
Thời gian đầu, mọi chuyện diễn ra êm đẹp vì dì tôi vẫn khỏe mạnh, phụ trông nhà, cơm nước cho gia đình con trai cả. Chị dâu lúc đó cũng không phàn nàn gì vì trong nhà có “một u già bằng ba người ở”. Thỉnh thoảng dì cũng qua nhà con gái chơi, giúp đứa này vài ngày, ở chơi nhà đứa kia vài tuần cho vui. Thế nhưng, bước qua tuổi 80, dì tôi yếu dần và 2 năm nay nằm một chỗ sau cơn đột quỵ do té cầu thang, bị gãy xương đùi. Từ đây, mọi chuyện bắt đầu rối và anh chị em trong nhà cảm thấy gánh nặng phải nuôi mẹ già. Những tuần đầu, dì tôi nằm bệnh viện thì cả nhà cùng chăm sóc dì bằng trách nhiệm. Sau 2 tháng, bệnh viện cho dì về nhà điều trị ngoại trú. Việc chăm sóc người già nằm một chỗ không đơn giản và các con dì bàn chuyện thuê người giúp việc. Thời “củi châu gạo quế” nên chi phí thuê người, cộng tiền ăn ở ngót nghét chục triệu đồng. Lúc đầu, anh cả chịu phần nhiều và ba cô con gái ai có nhiều góp nhiều, có ít góp ít. Thế nhưng, chi phí chăm lo dì ngày một tăng vì thuốc thang nhiều hơn, chưa kể những ngày dì trở nặng phải nhập viện điều trị dài ngày. Thế là, chị dâu cảm thấy gánh nặng phải nuôi mẹ chồng đè lên vai mình và gia đình mình. Chị bắt đầu nặng nhẹ và lên tiếng yêu cầu các cô em chồng phải đóng góp nhiều hơn hoặc không thì đưa mẹ về nuôi. Anh cả tuy thương mẹ nhưng sợ vợ nên để vợ điều hành. Cuộc chiến bắt đầu xảy ra giữa các cô em với chị dâu và dì tôi cảm nhận được những gì con cái mình đang ngã giá, so đo trách nhiệm chăm mẹ già. Dì không nói gì, chỉ khóc, đòi “đi” sớm, kiên quyết không uống sữa, uống thuốc và bỏ ăn. Mặc con cái dỗ dành, dì vẫn cứ tuyệt thực. Rồi nhân lúc người giúp việc bận nấu ăn, dì lấy hết gói thuốc ở đầu giường uống hết. Khi mọi người biết chuyện thì đã muộn... Dì ra đi mang theo bao phiền muộn, tái tê nỗi lòng nơi chín suối. Còn người ở lại, chắc chắn nỗi day dứt, tự trách lương tâm, đạo lý làm con cũng không nhẹ nhàng. Đúng như ông bà ta đã nói: “Một mẹ có thể nuôi nhiều con nhưng nhiều con không nuôi nổi một mẹ!”. Thương dì của tôi và mong sao đừng có những bà mẹ, ông bố phải rơi lệ ở tuổi gần đất xa trời vì bị con cái đối xử tệ bạc, so đo tính toán với những người dứt ruột đẻ ra mình.*
Khánh Ly (TPHCM)