Nạn nhân đang ở nơi có nhiều nước thì đưa ra khỏi vùng nước. Cần ủ ấm, tránh để nạn nhân bị lạnh. Việc giữ thân nhiệt cho nạn nhân là rất quan trọng, nhất là khi thời tiết lạnh.
Đối với người lớn: Tắt cầu dao điện, sau đó nhanh chóng gọi xe cấp cứu và cơ quan chức năng ngành điện để được giải cứu sớm nhất. Sử dụng vật liệu cách điện (gỗ khô hoặc vật nhựa khô) để tách dây điện ra khỏi người bị điện giật. Tiến hành hô hấp nhân tạo cho nạn nhân bị điện giật theo những bước sau: Để cổ nạn nhân ngửa và nâng cằm lên. Kẹp mũi lại, áp miệng vào miệng của nạn nhân và thực hiện 2 lần, mỗi lần 1 giây. Theo dõi để đảm bảo ngực nạn nhân vẫn nở ra bình thường. Hô hấp nhân tạo 2 lần sau 30 lần ép tim. Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Với trẻ em: Ngắt nguồn điện ngay lập tức bằng cách rút dây điện, ngắt cầu dao điện. Không nên chạm vào trẻ bằng tay trần trong khi trẻ vẫn đang tiếp xúc với dòng điện và không được đi vào khu vực rò điện có nước, nếu không chính bạn cũng có thể bị điện giật. Để tách trẻ khỏi nguồn điện, bạn nên sử dụng đồ vật không làm bằng kim loại và không dẫn điện như que gỗ hay chổi… Khi trẻ đã được tách khỏi nguồn điện và có thể chạm vào một cách an toàn, nên kiểm tra xem trẻ còn thở và mạch còn đập hay không.
Nếu trẻ ngừng thở và không có mạch, nên cấp cứu hồi sinh tim phổi (CPR) ngay lập tức. Trường hợp trẻ vẫn thở tốt, cần kiểm tra màu da của trẻ xem có chuyển sang xanh tái hay không. Tiếp tục theo dõi nhịp thở của trẻ và thực hiện cấp cứu CPR nếu trẻ ngừng thở. Tìm xem trên da trẻ có bị bỏng hay không. Nếu trẻ bị bỏng, không nên chườm đá, bôi thuốc mỡ hay bất cứ thứ gì lên vết bỏng. Cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay để được nhân viên y tế xử trí.