Du khách đến đây cũng lấy làm lạ về đơn vị đo lường của người dân nơi này, bởi số chục ở vùng đất này không rạch ròi, thậm chí có nơi một chục cao nhất tới 18, 16, 14 hoặc là 12. Theo những nhà nghiên cứu về văn hóa Nam bộ, đây là một nét văn hóa thể hiện tính cách hào phóng của người dân phương Nam đi khai hoang mở cõi và được lưu truyền đến ngày nay.
Chính chất hào sảng, sự phong phú, đa dạng được thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này đã hình thành nên nhiều nét văn hóa dân gian độc đáo. Du khách một lần đến du lịch trải nghiệm ở miền Tây sông nước, nhất là ở Bến Tre, sẽ rất lấy làm lạ vì dừa ở đây hầu như người dân đều bán chục. Nhưng thay vì số 10 tròn trĩnh, một chục dừa ở Bến Tre là 12 trái, kể cả dừa tươi lẫn dừa khô. Hiện nay, quy ước đơn vị đo lường này đối với sản phẩm dừa đã được lấy làm chuẩn và trở thành luật bất thành văn không chỉ đối với Bến Tre mà hầu như các tỉnh miền Tây khi mua bán.
Ngoài dừa, một số loại trái khác như bắp, cam, quýt, xoài… ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang cũng quy ước số chục nhiều hơn 10. Trái bắp nấu chín, được tiểu thương bày bán ở chợ hoặc ven đường, có giá lẻ 10.000 đồng/3 trái hoặc tùy kích cỡ mà có sự chênh lệch về giá. Tuy nhiên, người miền Tây hay ai đó hiểu được quy ước, họ sẽ mua chục vì một chục bắp tới 14 trái, số lượng nhiều hơn mà vẫn vừa túi tiền. Trong khi chục cam, quýt, xoài, cau…, có nơi bán 16 trái, nơi 18 trái. Tiếc là, nét văn hóa này trong thời buổi kinh tế thị trường dần mất đi, thay bằng cân ký.
Theo nhà nghiên cứu Nhâm Hùng, ngoài bán chục thì người dân miền Tây còn có văn hóa “mua mão bán mớ” hoặc ngược lại. Theo dân thương hồ, việc trao đổi này thể hiện sự thuận mua, vừa bán một cách nhanh gọn. Lý giải của họ là người bán muốn giải phóng hết số sản phẩm của mình để về nhà sớm, nên đưa ra giá tiền hợp lý. Tuy nhiên, sản phẩm là hàng hóa như trái cây thì một mớ có thể là một chục rưỡi hoặc nhiều hơn, nhưng giá cả sẽ không tính theo số lượng cụ thể, nên cuộc trao đổi vẫn thỏa mãn đôi bên.
Theo TS Trần Văn Nam, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP Cần Thơ, việc số chục nhiều hơn 10 ở miền Tây thuộc về văn hóa dân gian, lưu truyền trong dân gian mà không theo quy chuẩn nào. Tính cách của người Nam bộ phóng khoáng, nên có khuynh hướng cho thêm. Cũng chính khuynh hướng cho thêm đó nên có khi một chục ở miền Tây có nơi 10, có nơi là 16 rồi qua truyền miệng của người mua mặc định số chục nhiều hơn 10 và tồn tại cho đến ngày nay.
Số chục ở miền Tây còn được định nghĩa là chục có đầu và chục trơn. Chục trơn là chục đủ 10, chục có đầu là từ 10 trở lên. Nguyên nhân hình thành chục có đầu là do tính cạnh tranh, tính hào phóng của người miền Tây và hoàn cảnh sản xuất. Chính 3 yếu tố này có mối quan hệ, bởi chung quy xét về mặt kinh tế, hàng hóa bán ra nhiều hơn 10 sẽ kích thích người mua nhiều hơn.
Văn hóa số chục miền Tây là điều cần được duy trì, vì đó là đặc trưng duy nhất chỉ có ở vùng đất chín rồng này.