Liên quan đến vụ phát hiện cơ sở của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) có hành vi sử dụng dung dịch nước và bột lõi pin để tẩm, nhuộm phế phẩm cà phê, chiều tối 19-4, đại tá Lê Vinh Quy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết, đã tiếp tục triệu tập các đối tượng liên quan để đấu tranh làm rõ vụ việc.
Theo đại tá Lê Vinh Quy, tại cơ quan công an, bà Loan khai nhận chỉ bán khoảng 3 tấn phế phẩm cà phê cho một người ở tỉnh Bình Phước. “Hiện Công an tỉnh Đắk Nông chưa áp dụng biện pháp hình sự nào đối với bà Loan và những người liên quan. Chúng tôi đang đấu tranh với bà Loan để làm rõ mục đích, động cơ sơ chế phế phẩm cà phê này. Trong vụ việc đã xuất hiện nhiều tình tiết mới đang được điều tra làm rõ”, đại tá Lê Vinh Quy thông tin.
Sáng cùng ngày, bà Loan cho biết, bà làm nghề mua tiêu bụi, cà phê bụi (những tạp chất của cà phê và tiêu sau quá trình sàng lọc gồm bụi, đất đá, hạt lép, hạt vỡ - PV) từ nhiều năm nay, sau đó sàng lọc những hạt cà phê, tiêu nhỏ rồi bán.
Nói về việc dùng than pin để nhuộm phế phẩm cà phê bà Loan cho biết: “Vào khoảng mấy tháng trước, khi gia đình bà đang phơi phế phẩm các loại trước nhà thì một người đi mua tiêu bụi ở tỉnh Bình Phước đến đề nghị mua với giá 3.000 đồng/kg. Sau đó, gia đình bà đã ủ các tạp chất vào một góc kho để chuyển màu đen giống như phế phẩm mà người kia hỏi mua. Tuy nhiên, để ủ đen phế phẩm mất thời gian lâu, trong một lần cầm viên pin, chồng tôi thấy tay bị nhuộm đen nên mới nghĩ ra cách mua pin về nhuộm tạp chất cho chuyển thành màu đen như người phụ nữ lạ yêu cầu”.
Theo bà Loan, để thực hiện việc nhuộm phế phẩm, gia đình bà đã bỏ ra số tiền 3 triệu đồng để mua và thu gom pin từ các quán tạp hóa trên địa bàn. Sau đó số pin trên được gia đình bà đập ra lấy lõi than nghiền nát, hòa tan với nước để nhuộm các tạp chất phế phẩm. Số pin trên nhuộm được khoảng 3 tấn phế phẩm đang bị công an thu giữ.
Bà Loan khẳng định, số phế phẩm mà bà nhuộm từ lõi pin chưa được bán đi vì bà bị mất điện thoại không liên lạc được với người phụ nữ ở tỉnh Bình Phước và người đó hiện cũng đang bặt vô âm tín. “3 tấn phế phẩm cà phê mà tôi khai nhận đã bán ra thị trường với giá 9 triệu đồng chưa được nhuộm bằng than pin. Do chưa liên lạc được với người phụ nữ đó nên số phế phẩm được nhuộm vẫn còn trong kho và bị công an thu giữ. Tôi chỉ biết người phụ nữ thu mua ở tỉnh Bình Phước chứ không rõ địa chỉ cụ thể”, bà Loan nói.
Nói về giấy phép hộ kinh doanh, ngành nghề thu mua nông sản, bà Loan cũng cho biết: “Tôi làm giấy phép kinh doanh nhằm để vay vốn ngân hàng chứ không phải mục đích thu mua nông sản. Tôi thu mua phế phẩm, tiêu bụi, cà phê bụi thì cần gì đặt bảng hiệu với giấy phép kinh doanh”.
Theo ông Võ Ngọc Anh, Trưởng Công an xã Đắk Wer, cơ sở của bà Loan không đặt bảng hiệu và không hề có hoạt động thu mua, kinh doanh trên địa bàn. Trong giấy đăng ký tạm trú bà Loan khai nghề nghiệp là làm nông, bà Loan làm ngành nghề gì vẫn chưa xác định được.
Bên cạnh đó, nhiều người dân tại địa phương cũng cho biết, việc bà Loan mua, thu gom pin trên địa bàn diễn ra đã lâu. “Trước đây tôi thấy bà Loan phơi vỏ cà phê nhưng không biết gia đình bà làm gì. Hoạt động của cơ sở bà Loan đa số vào ban đêm, mỗi lần đập pin bà Loan thường bật nhạc rất to để át tiếng ồn. Bà Loan về địa phương đã lâu nhưng ít giao tiếp với hàng xóm nên không ai biết bà làm ngành nghề gì. Chúng tôi chỉ biết nhà bà thường xuyên có xe biển số ngoại tỉnh ra vào nhưng không biết họ chở gì trên xe và chở đi đâu”, một người hàng xóm của bà Loan cho hay.