“Đánh chặn” từ cổng trường
Tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, bé Đ.M.H. (3 tuổi, TP Thủ Đức) đang điều trị trong khu vực ngăn cách riêng bệnh tay chân miệng. Chị Huỳnh Thanh Hảo (31 tuổi, mẹ bệnh nhi) cho biết, cô giáo là người đầu tiên phát hiện trẻ mắc bệnh.
“Con bị sốt, bỏ ăn nên cô cho uống thuốc và kiểm tra thấy vết lở trong miệng. Bác sĩ chẩn đoán bé bị tay chân miệng độ 2A, cần nhập viện theo dõi”, chị Hảo chia sẻ.
Theo ThS-BS Nguyễn Đình Qui, Quản lý và điều hành khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh tay chân miệng đã rục rịch vào mùa, hầu như ngày nào cũng có những ca mới nhập viện. Thống kê riêng tháng 4, bệnh viện tiếp nhận hơn 900 lượt khám bệnh tay chân miệng ngoại trú, 10% phải nhập viện. Con số này tăng cao so với tháng 3 và gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.
“Hầu hết trẻ bị tay chân miệng độ 2A (mức độ trung bình), chưa ghi nhận ca nặng. Tuy nhiên, chúng tôi đã có kế hoạch bố trí giường bệnh, phòng bệnh sẵn sàng khi số ca tăng cao”, BS Nguyễn Đình Qui nói.
Tình hình tương tự diễn ra tại Bệnh viện Nhi đồng 1 khi số trẻ mắc tay chân miệng trong tháng 4 cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận định, ngành y tế đã có sự chuẩn bị sớm ngay trước mùa dịch, tổ chức tập huấn cho các trường học. Theo đó, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, cô giáo sẽ thông báo với phụ huynh đưa con đi khám, tạm cho nghỉ học để ngăn nguy cơ lây nhiễm. Như vậy, các trường mầm non chính là “chốt chặn” đầu tiên.
“Bệnh tay chân miệng tập trung ở nhóm trẻ mầm non nên sự phối hợp của các trường học rất quan trọng. Bên cạnh đó, các phòng khám tư nhân và bệnh viện khi ghi nhận ca mắc phải báo cáo ngay theo quy định để trung tâm y tế dự phòng khoanh vùng”, BS Nguyễn Đình Qui nói.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, tính từ ngày 6-5 đến 12-5, TP ghi nhận 442 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 25% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay là 3.858 ca.
Vaccine - giải pháp căn cơ
Là bệnh “đến hẹn lại lên” nhưng tay chân miệng là gánh nặng bệnh tật rất lớn, dễ lây lan, chi phí điều trị tốn kém. Năm 2023, cả nước ghi nhận 180.983 ca mắc và 31 trường hợp tử vong.
Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM, với bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng hay sốt xuất huyết, vaccine là cách phòng ngừa hiệu quả và căn cơ nhất. “Đó cũng là mong chờ của những bác sĩ trải qua nhiều năm căng mình chống dịch”, ông nói.
Ngày 16-5, Bộ Y tế công bố đã cấp phép lưu hành vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết đầu tiên tại Việt Nam. Tin vui này càng khiến giới chuyên môn thêm mong mỏi về vaccine tay chân miệng. Thực tế, năm 2023, Bộ Y tế cho biết đã đưa hồ sơ đề nghị cấp phép đăng ký lưu hành vaccine tay chân miệng vào diện ưu tiên xem xét. Cũng theo cơ quan này, nếu được phê duyệt, vaccine sẽ được tiêm vào năm 2024 với hình thức dịch vụ.
Theo đó, vaccine tay chân miệng do Viện Nghiên cứu sức khỏe NHRI (National Health Research Institute, Đài Loan, Trung Quốc) nghiên cứu đầu tiên, sau đó được chuyển giao, phát triển các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 từ năm 2019 đến năm 2021 được tiến hành trên 3.049 trẻ em có độ tuổi từ 2 tháng đến 6 tuổi tại Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) với 80% trẻ ở Việt Nam. Kết quả cho thấy hiệu quả bảo vệ chung của vaccine giúp chống lại chủng virus EV71 (chủng nguy hiểm nhất) là 96,8%.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, PGS-TS Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, xác nhận đến hiện tại, vaccine phòng tay chân miệng chưa được cấp phép, vẫn đang trong giai đoạn thẩm định nhằm đảm bảo đến tay người dùng một cách an toàn nhất.
Trong khi đó, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trường Đại học Y Dược TPHCM, kỳ vọng vaccine sớm đưa vào sử dụng để bảo vệ trẻ nhỏ, giảm gánh nặng bệnh tật. Cũng trong thời gian này, Viện Pasteur TPHCM đang hợp tác triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 một loại vaccine tay chân miệng khác, dự kiến năm 2025 sẽ hoàn thành.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Khoảng 90%-95% bệnh nhân được điều trị ngoại trú, có thể khỏi sau 7-10 ngày. Một số ít bị biến chứng nặng như suy hô hấp, viêm cơ tim, suy tim, gây phù phổi cấp, thậm chí tử vong. Hiện chưa có vaccine tay chân miệng, biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất là 3 sạch: ăn uống sạch, ở sạch và bàn tay sạch.