Sơ bộ tổng mức đầu tư tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ hơn 9,8 tỷ USD

Dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ đang được Liên danh tư vấn TEDI SOUTH - TRICC - TEDI hoàn thiện, phấn đấu hoàn thành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt năm 2025.

Đường sắt TPHCM - Cần Thơ. Ảnh do AI tạo
Đường sắt TPHCM - Cần Thơ. Ảnh do AI tạo

Theo dự thảo, tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ có chiều dài hơn 175km, đi qua 6 tỉnh, thành phố, gồm: Bình Dương, TPHCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ.

Tuyến đường sắt được xây dựng ở giai đoạn hoàn thiện theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa, vận tốc thiết kế tàu hàng 120 km/h, tàu khách 160 km/h. Tuyến có năng lực thông qua đến năm 2055 khoảng 26,148 triệu tấn hàng hóa/năm và 18,324 triệu hành khách/năm.

Dự án có cơ cấu đi trên nền đất chiều dài 76,6km, chiếm tỷ lệ 43,72% và công trình cầu cạn, cầu vượt sông dài 98,6km, chiếm tỷ lệ 56,28%. Trong đó, có 3 vị trí cầu vượt sông lớn (sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây) và có 2 vị trí vượt sông đặc biệt lớn (sông Tiền và sông Hậu).

Trên tuyến bố trí 12 ga và 4 trạm khách tương lai, 3 khu trung tâm điều khiển, bảo dưỡng, sửa chữa tàu. Ước tính, nhu cầu sử dụng đất của toàn dự án 801,5ha, trong đó đất ở là 193,88 ha; đất nông nghiệp khoảng 479,1ha và đất khác.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là 173.643 tỷ đồng, tương đương 7,16 tỷ USD, để xây dựng đường đơn và giải phóng mặt bằng tổng thể, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy hoạch khoảng 45.675 tỷ đồng.

Ở giai đoạn 2 đầu tư nâng cấp toàn tuyến lên đường đôi, sơ bộ tổng mức đầu tư 64.973 tỷ đồng, tương đương 2,7 tỷ USD. Tính chung sơ bộ tổng mức đầu tư dự án cả 2 giai đoạn 238.616 tỷ đồng (hơn 9,8 tỷ USD). Dự án được đề xuất theo hình thức đầu tư công.

Về mô hình quản lý khai thác, nhà đầu tư thành lập Công ty cổ phần Vận tải đường sắt TPHCM - Cần Thơ để đầu tư phương tiện, tổ chức vận hành khai thác và bảo dưỡng hạ tầng, phương tiện và trả phí thuê cơ sở hạ tầng cho Công ty Đầu tư và quản lý hạ tầng đường sắt.

Về lộ trình đầu tư, liên danh tư vấn đề xuất, dự án sẽ được trình Chính phủ, thực hiện thẩm định Nhà nước và trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trong năm 2025; lập báo cáo nghiên cứu khả thi và phê duyệt dự án năm 2026-2027; khởi công xây dựng trước năm 2030; vận hành khai thác từ năm 2035.

Tin cùng chuyên mục