Công nhân khốn khổ vì bị nợ BHXH
Cùng chung nỗi khổ như cả trăm công nhân khác, chị Đỗ Thị Màu (44 tuổi, ngụ quận 9) bị Công ty J-Tex Vina (quận 9) nợ BHXH từ tháng 1-2015 đến tháng 3-2016. Khi J-Tex Vina bán lại nhà xưởng cho Công ty Bumhyun, chị Màu làm việc tiếp ở Công ty Bumhyum được 6 tháng, đóng BHXH đến tháng 9-2016 rồi nghỉ việc.
Sau khi nghỉ việc, chị Màu đi làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp thì mới ớ ra là mình không được nhận. Bởi, công ty cũ (J-Tex Vina) nợ BHXH, chị không được đóng BHXH liên tục 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định.
Hiện nay, chủ công ty cũ là người Hàn Quốc đã về nước. Chị Đỗ Thị Màu và cả trăm công nhân không liên hệ được để chốt sổ BHXH, giải quyết các quyền lợi liên quan về BHXH, bảo hiểm y tế.
Người lao động đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp tại TPHCM
Ông Nguyễn Văn Nhỏ (51 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) là một trong không nhiều trường hợp công nhân ở TPHCM đã tự kiện DN, thắng kiện, chốt được sổ BHXH. Tuy nhiên, hành trình đi kiện rất gian nan và ông cũng không được hưởng đầy đủ các chế độ trợ cấp. Ông Nhỏ kể, ông làm công nhân ở Công ty Nam Phương (huyện Củ Chi) được 12 năm.
Công ty nợ BHXH của ông từ tháng 10-2015 đến tháng 2-2016 nên khi nghỉ việc, ông không được chốt sổ BHXH để hưởng các quyền lợi liên quan. Ông bắt đầu hành trình bằng cách gửi đơn khiếu nại ở Phòng LĐTB-XH huyện Củ Chi. Phòng mời đại diện công ty lên làm việc, có hẹn ngày 30-5-2017 trả sổ cho ông, nhưng đến thời điểm đó vẫn không trả sổ. Tiếp đó, ông Nhỏ kiện ra TAND huyện Củ Chi.
Tòa tuyên ngày 30-9-2017 công ty phải trả sổ cho ông, song ngày đó, công ty vẫn không trả. Ông Nhỏ đến tòa hỏi tình hình, tòa chỉ sang thi hành án dân sự và ở đây, ông Nhỏ nhận được giấy hẹn trong 10 ngày công ty phải khắc phục. Song, đến gần 3 tháng sau, mãi đến chiều 29-12, ông mới nhận được sổ BHXH đã chốt và nhận được 5 triệu trong tổng số 9,6 triệu đồng trợ cấp thôi việc.
“Trình tự xử lý rất mất thời gian. Đưa đơn tới Phòng LĐTB-XH, chờ 3 tháng đợi giải quyết. Sang tòa án, chờ tiếp 3 tháng đợi xét xử. Tới thi hành án lại chờ tiếp, mỗi lần mỗi chờ. Trong khi thời hạn nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3 tháng kể từ ngày nghỉ việc. Nên khi có kết quả thắng kiện, được chốt sổ BHXH cũng là lúc thời hạn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đã hết, tôi không được lãnh trợ cấp thất nghiệp”, ông Nhỏ chia sẻ về tình cảnh “được vạ thì má đã sưng” của mình.
Giám đốc trả tiền nợ để né xử lý hình sự
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, cho biết trước đây, cứ nợ đọng BHXH từ 3 tháng trở lên, DN sẽ bị BHXH TPHCM kiện ra tòa án. Riêng năm 2015, BHXH TPHCM đưa 1.800 DN ra tòa. Tuy nhiên, từ năm 2016, theo quy định, cơ quan BHXH không còn quyền khởi kiện DN nợ BHXH để thu hồi số nợ đọng. Chức năng này được chuyển sang tổ chức công đoàn và từ đây, việc khởi kiện DN nợ BHXH ra tòa bị “tắc”. Có một số công nhân kiện DN trong các vụ “lẻ” và rất vất vả mới bảo vệ được quyền lợi của mình.
Trong bối cảnh nợ BHXH tràn lan và việc kiện DN ra tòa chưa hiệu quả, từ năm 2018, chế tài mới có sự răn đe rất mạnh. Cụ thể, hành vi gian lận, trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bị xử lý hình sự theo Điều 214, 215, 216 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngay trước khi chế tài mới có hiệu lực, nhiều DN đã tự động nộp tiền nợ BHXH từ nhiều năm trở lại đây.
Đứng đầu bảng nợ đọng BHXH nhức nhối nhất của TPHCM nhiều năm qua là Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh, với số nợ khoảng 50 tỷ đồng. Ngay trong 2 tháng cuối năm 2017, Công ty Mai Linh đã nộp toàn bộ số tiền 50 tỷ này. Đồng thời, có văn bản cam kết năm 2018 sắp xếp trả nợ BHXH của các công ty thành viên, với tổng số nợ khoảng 100 tỷ đồng - số nợ cộng dồn từ nhiều năm.
Bà Nguyễn Thị Thu cho biết, tương tự như Công ty Mai Linh, nhiều DN khác đã ý thức được nguy cơ bị xử lý hình sự nếu tiếp tục trốn nợ BHXH nên cuối năm 2017, đầu năm 2018 đã trả tiền nợ từ nhiều năm. Tổng số nợ BHXH tính đến ngày 31-12-2017 ở TPHCM là 1.900 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ.
Theo BHXH TPHCM, trong năm 2017, thực hiện chức năng mới là thanh tra chuyên ngành BHXH, Thanh tra BHXH TPHCM đã thanh tra 336 đơn vị, DN có tổng số nợ 138 tỷ đồng. Ngay sau đó, các công ty đã khắc phục 96 tỷ đồng (69%).
Bà Nguyễn Thị Thu cho biết, trong năm 2018, BHXH TPHCM tăng cường thanh tra, xử phạt hành chính các DN nợ BHXH. Sau khi thanh tra, xử lý vi phạm hành chính mà công ty không khắc phục, đây sẽ là cơ sở để đề nghị xử lý hình sự hành vi gian lận, trốn đóng BHXH.
Công bố tên DN nợ BHXH
Đồng thời với các giải pháp trên, BHXH TPHCM đã lập danh sách, “bêu” tên 724 công ty nợ BHXH tổng cộng 920 tỷ đồng (tính đến 31-12-2017), nợ kéo dài từ 6 tháng đến nhiều năm.
Trong đó, Công ty TNHH Nam Phương (huyện Củ Chi), nợ gần 27 tỷ đồng; Công ty TNHH Nhà máy sửa chữa và đóng tàu (quận 2), nợ 21 tỷ đồng; Công ty cổ phần Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) nợ 16,6 tỷ đồng; Công ty TNHH Dịch vụ thương mại vận tải Sài Gòn Bình Minh (quận 7); Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Việt Nam (quận 3), cùng số nợ 13,6 tỷ đồng.
Nhiều DN nợ 5 - 10 tỷ đồng như: Công ty TNHH J-Tex Vina nợ hơn 9 tỷ đồng; Công ty TNHH Keo Hwa Vina (huyện Hóc Môn) nợ gần 9 tỷ đồng; Công ty TNHH Dệt kim Fenix Việt Nam (quận Thủ Đức) nợ 8,5 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Đóng tàu 76 (quận 4) nợ 7,4 tỷ đồng; Công ty cổ phần Vietstar (huyện Củ Chi) nợ 6,7 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển nhà đất Cotec (quận 4) nợ 5,1 tỷ đồng…
Các DN nợ 1 - 5 tỷ đồng như: Công ty cổ phần Đầu tư tư vấn xây dựng giao thông phía Nam (quận Gò Vấp) nợ 5 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (quận Phú Nhuận) nợ 3,7 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển địa ốc Khang Gia (quận 10) nợ gần 1,5 tỷ đồng…