Tăng nhẹ ở nhóm trẻ có bệnh nền
Theo bác sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng Khoa Điều trị Covid-19, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2, nếu như trong 1 tháng qua, đơn vị không ghi nhận trường hợp nào mắc Covid-19 thì đến tháng 7-2022 có tới 22 trẻ mắc Covid-19 có chỉ định nhập viện điều trị. Trung bình mỗi ngày, Khoa Khám bệnh của BV tiếp nhận khoảng 10 ca mắc Covid-19, trong đó có 3-4 ca nhập viện. “Bệnh nhi nhập viện chủ yếu vì ho, sốt cao hoặc có bệnh lý khác như nhiễm trùng huyết, sốt xuất huyết, tiêu hóa… Hiện tại, Khoa Điều trị Covid-19 đang điều trị 6 ca, chủ yếu là những trường hợp nhẹ, không có biến chứng, nhưng cần theo dõi bệnh nền (ung thư, thận, huyết học), hoặc chưa tiêm hay chưa tiêm đủ các mũi vaccine phòng bệnh. Hầu hết các em sức khỏe đều ổn định, không trẻ nào cần hỗ trợ thở oxy”, bác sĩ Phạm Thái Sơn thông tin.
Còn tại BV Nhi đồng 1, PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng Khoa Covid-19 của BV, cho biết, hiện BV đang điều trị 2 ca mắc Covid-19. Các trường hợp này đều có triệu chứng nhẹ, chủ yếu ho, sốt nên phải nhập viện theo dõi. BV Nhi đồng Thành phố đang điều trị 1 ca bệnh nhi mắc Covid-19 nặng, được truyền thuốc kháng virus và cần hỗ trợ thở oxy, tình trạng đang được kiểm soát ổn định.
Lá chắn vaccine
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trước tình hình số ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tuần có khuynh hướng tăng (cao hơn những tuần trước), trong khi tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại của trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi mới chỉ đạt 51,2% (trong khi cả nước là 71%), tỷ lệ tiêm mũi 2 ở độ tuổi này là 26,9% (cả nước là 39,9%), tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi tại thành phố là 25,5% (cả nước là 38,1%). Việc UBND TPHCM đã chọn tháng 8 là tháng cao điểm tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em là rất cần thiết; tuy nhiên, sau 1 tuần triển khai, dù số lượt tiêm có tăng so với trước nhưng vẫn thấp hơn tỷ lệ trung bình chung của cả nước. “Để tiếp tục cải thiện tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng Covid-19, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải quyết tâm cao hơn trong công tác truyền thông và tổ chức các điểm tiêm thuận lợi nhất cho trẻ em trong 3 tuần còn lại của tháng cao điểm. Bên cạnh đó, các quận, huyện cần tăng cường công tác chỉ đạo và giám sát công tác tiêm vaccine cho trẻ em và phải chịu trách nhiệm trước UBND TPHCM về số lượt tiêm cho trẻ em quá thấp”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.
Cũng theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, sự xuất hiện của các biến thể phụ mới sẽ làm giảm hiệu quả của vaccine đã tiêm trước đó (mũi 1 và mũi 2). Do đó, hiệu quả bảo vệ của vaccine Covid-19 sẽ tăng cao trở lại nếu tiêm liều nhắc lại. Vaccine Covid-19 vẫn là công cụ bảo vệ cơ thể quan trọng nhất, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Covid-19 nặng phải nhập viện. Với sự gia tăng trở lại gần đây về số ca tử vong và số ca nhập viện do biến thể phụ xuất hiện, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm vaccine Covid-19 càng sớm càng tốt. Ngành y tế sẽ phối hợp với ngành giáo dục mở thêm nhiều điểm tiêm tại các trường học, không từ chối tiêm đối với những trẻ không có danh sách đăng ký (nếu đủ điều kiện tiêm), nhập dữ liệu vào phần mềm tiêm chủng của Bộ Y tế ngay sau tiêm.
Đồng quan điểm, bác sĩ Phạm Thái Sơn cho biết, hiện 6 ca đang điều trị tại BV Nhi đồng 2 chỉ có 1 bệnh nhân trên 5 tuổi, còn lại là trẻ dưới 5 tuổi - chưa trong độ tuổi tiêm vaccine theo khuyến cáo của Bộ Y tế. “Rõ ràng vaccine Covid-19 có hiệu quả bảo vệ rất tốt cho trẻ”, bác sĩ Phạm Thái Sơn khẳng định. Ông khuyến cáo, cha mẹ có con nhỏ nên cho trẻ chủng ngừa, bởi có thể tránh cho trẻ mắc bệnh, tránh trở nặng và khi trẻ không bị bệnh nữa thì không lây cho người thân.
TPHCM tiếp tục là địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp |