SME của Thụy Sĩ vật lộn với hàng giả

Từ đồng hồ giả đến túi xách, quần áo hàng hiệu, các chủ sở hữu bản quyền Thụy Sĩ chiếm vị trí thứ 4 trong số các công ty có quyền sở hữu trí tuệ bị vi phạm nhiều nhất bởi hàng giả trên toàn thế giới. 

Thực trạng này khiến nền kinh tế Thụy Sĩ bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo báo cáo về cuộc chiến chống đồng hồ giả trên toàn cầu của Liên đoàn Công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ vừa công bố, có khoảng 1 triệu chiếc đồng hồ giả bị phát hiện trên thế giới trong năm 2023. Hầu hết đồng hồ Thụy Sĩ làm giả bị tịch thu đều có xuất xứ từ châu Á, trong đó hơn một nửa số vụ bắt giữ về đồng hồ giả liên quan đến hàng giả từ Trung Quốc và Hồng Công. Cũng có lượng lớn các loại đồng hồ Thụy Sĩ giả được phát hiện ở những nước khác, ví dụ như 150.000 chiếc bị tịch thu ở Saudi Arabia, 62.000 chiếc ở Thổ Nhĩ Kỳ và 25.000 chiếc ở Ai Cập.

10b-8433-9834.jpg
Mua sắm trực tuyến bùng nổ đã làm phức tạp thêm tình hình hàng giả. Ảnh: SWI

Thiết bị điện, điện tử, quần áo, nước hoa, mỹ phẩm, đồ chơi và trò chơi cũng là những mặt hàng giả được nhắm tới nhiều nhất. Trong thông báo ngày 26-12 vừa qua, quyền Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ Jean-Daniel Pasche, cho biết, liên đoàn này cũng theo dõi hoạt động của thị trường kinh doanh đồng hồ với những mẫu được quảng bá có gắn với cụm từ “Swiss Made”.

Ngoài ra, liên đoàn cũng tổ chức các khóa huấn luyện cho cơ quan chức năng của nhiều nước để phát hiện các mẫu đồng hồ giả. Các khóa đào tạo này không chỉ được hỗ trợ trực tuyến mà còn được tổ chức trực tiếp ở Qatar, Saudi Arabia, Argentina, Bỉ, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ…

Việc vi phạm nhãn hiệu, bằng sáng chế, thiết kế và bản quyền đang gia tăng trên toàn thế giới và gây thiệt hại đáng kể. Điều này bao gồm từ tổn thất về lợi nhuận, thiếu hụt các khoản thanh toán thuế và an sinh xã hội, cho đến rủi ro về sức khỏe cho người tiêu dùng. Mặc dù những người tiêu dùng mua nhầm đồ Thụy Sĩ giả có thể bị tịch thu các sản phẩm ngay tại sân bay khi nhập cảnh vào quốc gia châu Âu này, nhưng thực trạng hàng giả ngày càng tràn lan và doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thụy Sĩ đã trở thành mục tiêu hàng đầu dễ bị làm giả hơn nhiều so với các công ty lớn hơn.

Chính phủ Thụy Sĩ cho biết, sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại trực tuyến đã làm phức tạp thêm vấn đề. Trong bảng xếp hạng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), quốc gia vùng núi Alps đứng thứ 2 sau các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ, nơi chiếm hơn một nửa tổng số hàng giả bị tịch thu. Các công ty lớn của Thụy Sĩ chiếm dưới 5% số vụ tịch thu toàn cầu, ít bị ảnh hưởng bởi hàng giả như các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tờ SWI của Thụy Sĩ dẫn một báo cáo cho thấy, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ bao gồm các công ty hoạt động trong lĩnh vực may mặc (29% số vụ tịch thu giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ so với 16% đối với các công ty lớn), sản xuất đồng hồ (11% so với 7%) và lĩnh vực máy móc (3% so với 1%). Điều này phản ánh sự khác biệt về tầm quan trọng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các lĩnh vực sản xuất khác nhau. Ví dụ, đồng hồ bị làm giả, làm nhái nhiều, ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ một phần do sự hiện diện mạnh mẽ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ.

Tin cùng chuyên mục