Hàng trăm triệu smartphone của Samsung từ Việt Nam đã đến với người tiêu dùng trên toàn thế giới trong những năm qua. Thế nhưng, chưa bao giờ người Việt Nam coi đó là “hàng Việt” và chưa bao giờ ngừng khao khát sản xuất, làm ra được những chiếc smartphone Việt Nam đúng nghĩa: của người Việt làm chủ, do người Việt đầu tư, mang thương hiệu Việt… Chuyện về những chiếc Bphone của Bkav trong những năm qua hay chiếc Vsmart của Vingroup sắp ra mắt là 2 ví dụ điển hình về vấn đề này.
Thực ra, trước Bkav và Vingroup, hàng loạt công ty, tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam đều đã tham gia sản xuất smartphone với nhiều hình thức khác nhau. Trực tiếp sản xuất, lắp ráp trong nước có VNPT (với thương hiệu Viva Lotus), Viettel, Asanzo. Đặt nước ngoài sản xuất theo mẫu mã của mình và mang thương hiệu Việt có Q-Mobile, HKPhone, F-Mobile (của FPT), Mobiistar… Thế nhưng, sự khắc nghiệt của thị trường smartphone Việt Nam trước sự lấn át “kinh khủng” của các thương hiệu lớn như Apple, Samsung đã khiến những thương hiệu Việt dần bị “rơi rụng” hoặc không thể cạnh tranh được. Chưa hết, hàng loạt thương hiệu đến từ Trung Quốc như Oppo, Xiaomi, Huawei, Vivo... với cấu hình cao, chất lượng tốt, giá hợp lý đủ phân khúc đã chen kín thị trường, không để hở ra “chút không gian” nào cho các smartphone Việt khẳng định được mình. Qua bao năm, đến nay có thể thấy, chỉ còn Viva Lotus của VNPT nhưng không được phổ biến; Asanzo giá rẻ, bán về vùng nông thôn; Mobiistar đã chuyển hướng kinh doanh ra thị trường nước ngoài. Viettel có vẻ như đang nghiên cứu để có hướng đầu tư dài hơn, bài bản hơn. Còn những thương hiệu kia coi như “đã chết”!
Bkav với chiếc Bphone là điển hình về sự khó khăn để tồn tại, khẳng định của một thương hiệu Việt ngay trên chính đất nước mình. Tháng 5-2015, Bphone 1 ra mắt, và sau 2 năm chỉ bán được chưa đến 10.000 máy. Tháng 7-2017, Bphone 2 ra đời và bán được khoảng 12.000 máy sau 1 năm. Giữa tháng 10-2018, Bphone 3 ra đời và bắt đầu có sự thành công nhất định với lượng máy bán hơn 10.000 sau 2 tháng ra mắt. Cuối năm 2017, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Bkav, cho biết, từ năm 2009 đến nay, Bkav đã đầu tư khoảng 500 tỷ đồng cho Bphone, hiện vẫn chưa có lợi nhuận. Bkav vẫn chưa đặt vấn đề về số lượng sản phẩm bán ra, mà mục đích chính vẫn là chinh phục người dùng.
Vsmart của Tập đoàn Vingroup lại khác. Ngày 14-12 tới, tại TPHCM, Vingroup chính thức ra mắt 4 dòng Vsmart với định vị tầm trung, có giá 3 - 7 triệu đồng/máy. Như vậy, những chiếc Vsmart được bán ra thị trường chỉ sau chưa đầy 6 tháng, từ khi Vingroup công bố thành lập Công ty VinSmart và gia nhập lĩnh vực sản xuất điện thoại di động. Vốn là doanh nghiệp tư nhân, hiện có quy mô lớn nhất ở Việt Nam hoạt động đa lĩnh vực, Vingroup tham gia lĩnh vực này một cách mạnh bạo hơn với mức đầu tư quy mô, bài bản; nhất là khi mua lại 51% cổ phần Công ty BQ của Tây Ban Nha để làm chủ công nghệ, dây chuyền, thiết kế smartphone theo tiêu chuẩn châu Âu. Giới chuyên môn đang kỳ vọng, với thực lực của mình, Vingroup sẽ tạo dựng được một thương hiệu smartphone Việt thành công, chinh phục được thị trường Việt Nam, vốn đang hết sức khắc nghiệt hiện nay!
Theo các đánh giá quốc tế, thị trường smartphone Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng với tốc độ hàng năm khoảng 10%, tăng hơn gấp đôi doanh thu trong năm 2017 so với từ năm 2014. Chỉ riêng trong năm 2017, đã có hơn 15 triệu smartphone các loại tiêu thụ ở Việt Nam. Samsung hiện chiếm 46,5% thị phần trong nước, tiếp theo là Oppo ở mức 19,4% và Apple ở mức 9,2%. Phân khúc tầm trung với mức giá 4 - 7 triệu đồng/máy hiện đang có sự cạnh tranh quyết liệt nhất, với sự tham gia của hầu hết các hãng, trừ Apple. Trong khi đó, smartphone giá rẻ chủ yếu đáp ứng nhu cầu những người có thu nhập thấp, nhưng cũng đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các hãng. Có thể khẳng định rằng, tương lai của smartphone Việt, do các công ty Việt Nam sản xuất, làm chủ công nghệ sẽ phụ thuộc vào việc có thể sản xuất ra những sản phẩm có tính năng hấp dẫn, giá thấp và thu hút người tiêu dùng thông qua các dịch vụ mạng xã hội và các chiến lược tiếp thị hiệu quả. Thị trường smartphone Việt Nam đã và sẽ tiếp tục nghiệt ngã, cạnh tranh khốc liệt. Thương hiệu smartphone Việt nào sẽ tồn tại, khẳng định được mình, phát triển lên tầm quốc tế?