Nhận được visa đến Mỹ du học, có nghĩa là bạn sẽ bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới, đòi hỏi không ít nỗ lực. Tâm sự dưới đây của một du học sinh VN tại Mỹ sẽ là hành trang bổ ích cho những du học sinh sắp lên đường sang Mỹ.
Chi tiêu căn bản
Sinh viên đến Mỹ du học đủ mọi sắc tộc, đủ mọi thành phần giai cấp như sinh viên được nhà nước cử đi học, sinh viên con nhà giàu hay đại gia, sinh viên thuộc tầng lớp bình dân... Giá cả sinh hoạt ở Mỹ rất cao, vì thế, các sinh viên thuộc dạng bình dân ngoài giờ học phải tranh thủ “cày” ít nhất một job (việc làm) để có thêm tiền chi tiêu kéo dài suốt mấy năm học nhưng phải đảm bảo chất lượng học tập.
Ngoài học phí, các khoản chi tiêu khác như tiền phòng khoảng 300USD/tháng (giá đã share – chia), tiền ăn, bảo hiểm xe, xăng, sách vở… và rất nhiều chi phí linh tinh khác. Sinh viên du học thường chọn vị trí thuê nhà gần trường để tiện việc đi lại học hành nhưng cũng phải có phương tiện vận chuyển khi cần thiết, ít nhất là chiếc xe đạp giá trên dưới 150USD.
Ngặt nỗi, thời tiết ở nước Mỹ rất khắc nghiệt mà người Mỹ gọi là “crazy” hoặc “terrible”, đặc biệt là ở Texas, mùa đông rất lạnh, mùa hè cực nóng (khoảng 40oC), mùa mưa thì thường xuyên có mưa đá nên mọi người phải di chuyển bằng xe hơi. Sinh viên thường tìm mua một chiếc xe hơi giá trên dưới 3.000USD mới có thể yên tâm đi lại trong mấy năm học.
Sách giáo khoa thường trên 50USD/quyển, tùy chuyên ngành hoặc môn học. Do đó, sinh viên thường lên mạng hoặc tìm mua sách cũ của các sinh viên lớp trên, họ thường rao bán sách cũ ngay tại nhà sách của trường qua các mẩu quảng cáo nho nhỏ. Nhưng các nhà xuất bản cũng rất tinh, họ liên tục thay đổi nội dung để bán sách được nhiều hơn. Tuy nhiên, các thầy cô giáo luôn thấu hiểu hoàn cảnh của du học sinh nên thường tận tình chỉ giúp cách mua sách nào, ở đâu rẻ nhất.
Đi “cày”
Bình thường, sang mùa học thứ ba thì nhà trường đã tạo việc làm ngoài giờ ngay tại trường cho sinh viên nếu họ đạt đủ điểm theo yêu cầu sau hai mùa học đầu tiên. Tuy nhiên, nếu sau mùa học thứ nhất, sinh viên đã đạt được chất lượng học tập xuất sắc thì sang mùa học thứ hai đã có thể đủ điều kiện làm việc cho trường.
Ngoài ra, sinh viên du học có thể làm part-time bên ngoài như tại các nhà hàng hoặc các hãng xưởng, nhưng phải có sự chấp thuận của nhà trường hoặc có giấy phép được làm việc hợp pháp, các nơi thuê sinh viên du học làm việc phải cam kết đảm bảo giờ giấc cho sinh viên đến trường.
Một anh bạn người Việt tôi mới quen đang du học tự túc năm thứ ba chia sẻ: “Tôi phải tranh thủ đi làm ngay từ năm đầu tiên sang Mỹ học, chứ tiền của gia đình mang sang chẳng thấm vào đâu, lo đóng học phí là đã “oải” nên phải đi làm thêm kiếm sống và hy vọng tích lũy được chút vốn khi về nước. Ban ngày tôi đi học, buổi tối đi làm ở nhà hàng, ngày nào không có lịch học thì đến làm ở một tiệm chuyên sửa computer”.
Mùa hè thường là dịp lý tưởng nhất để sinh viên du học đi “cày”. Có người nhận cày luôn hai “jobs” để tích lũy kinh phí chuẩn bị cho mùa học năm sau. Và đi làm thêm là cơ hội tốt để du học sinh học hỏi và tìm hiểu thêm về văn hóa, kinh tế Mỹ một cách cụ thể và hiệu quả nhất.
…Và học thêm
Ngoài việc theo học các môn chính của chương trình đào tạo đã đăng ký, các sinh viên đến từ các nước đều có “vấn đề” về phát âm (pronunciation) tiếng Anh ở Mỹ. Khi đăng ký học thêm lớp Accent reduction skills (sửa/luyện giọng), tôi cứ ngỡ mình nằm trong danh sách ít ỏi sinh viên phải đi học môn này nhưng khi vào lớp thì phòng học đã kín chỗ mà toàn là những gương mặt quen thuộc tôi đã từng gặp đâu đó trên giảng đường, chung lớp, chung building (một trong những tòa nhà của trường) hay chung parking (bãi đậu xe). Tất cả họ đến từ các nước thuộc Á, Âu, Phi và cả châu Mỹ.
Vào lớp học này tôi mới hiểu ra, mỗi dân tộc trên thế giới đều có một ngôn ngữ riêng và việc phát âm bằng tiếng mẹ đẻ đã hình thành cho họ một khẩu hình nhất định nên khi phát âm tiếng Anh (nhất là tiếng Anh theo giọng Mỹ), gặp những mẫu tự hoàn toàn xa lạ thì rất khó khăn để phát âm chuẩn theo yêu cầu của tiếng Anh, đặc biệt là những hình thái ngôn ngữ có cấu trúc phức tạp như diph-thong (nhị trùng âm, là vần có hai âm cùng đọc lướt một giọng) hay triph-thong (tam điệp âm, là vần có ba âm cùng đọc lướt một giọng).
Hơn nữa, có nhiều sinh viên nói tiếng Anh rất lưu loát ở quê nhà nhưng khi đến Mỹ họ gặp nhiều khó khăn trong kỹ năng nghe khi giao tiếp, hội nhập với xã hội Mỹ vì người bản xứ nói rất nhanh và dùng nhiều phương ngữ.
Tuy nhiên, người Mỹ vốn rất thân thiện và biết thông cảm nếu bạn mạnh dạn đề nghị họ nói chậm để bạn nghe tốt hơn, đôi khi họ còn sẵn sàng sửa giúp bạn cách phát âm. Đặc biệt, thầy giáo đứng lớp đôi khi cũng rất vất vả trong việc luyện phát âm cho từng sinh viên qua từng từ nhưng cũng rất nhiệt tình đưa ra lời khuyên: “Các bạn nên làm mới tiếng Anh của mình”.
Tất cả các sinh viên quốc tế tôi gặp đều nhận ra cái sai trong việc phát âm của riêng mình và họ dễ dàng lắng nghe nhau và cùng nhau sửa sai. Ngoài môi trường học tập tại giảng đường đại học, họ còn thường xuyên gặp nhau ở những nơi đi làm thêm ngoài giờ học, đôi khi họ còn giới thiệu cho nhau hoặc cùng làm việc một chỗ như nhà hàng, siêu thị…
TRẦN HUY HÙNG CƯỜNG