Sinh viên với văn minh đô thị: Ý thức vẫn còn… kém

Sinh viên với văn minh đô thị: Ý thức vẫn còn… kém

(SGGP-12G).- Sinh viên (SV), những người được xem là tầng lớp tri thức trong xã hội, thế nhưng đầu năm 2008, khi thành phố phát động thực hiện nếp sống văn minh đô thị thì  SV dường như chưa tham gia nhiều vào cuộc vận động này.

Không mặn mà

Ngày 26-1-2008, TP HCM chính thức phát động “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”. Sau hơn một năm, tuy hiệu quả đạt được chưa cao nhưng người dân thành phố cũng đã dần ý thực được việc thực hiện các nếp sống văn minh nơi công cộng. Thế nhưng, khi chúng tôi bước vào làng ĐHQG TPHCM (quận Thủ Đức, TPHCM), nơi tập trung gần 25.000 SV của nhiều trường ĐH như: Khoa Kinh tế, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH KHXH-NV… thì dường như 4 chữ “văn minh đô thị” vẫn chưa vào đến đây.

Điều chúng tôi thắc mắc là dù có quy định tất cả mọi người khi tham gia giao thông bắt buộc phải đội nón bảo hiểm nhưng trên các tuyến đường trong làng ĐH, rất nhiều SV lại làm ngơ với quy định này.

Đi xe máy chở ba ở Khu Đại học Quốc gia TPHCM rất phổ biến!

Đi xe máy chở ba ở Khu Đại học Quốc gia TPHCM rất phổ biến!

Chỉ đứng 5 – 10 phút tại các ngã đường quan sát, chúng tôi thấy có hàng chục SV đầu trần chạy xe máy trên đường; nhiều xe còn chở ba. Một SV của Trường ĐH KHXH-NV cho biết “Thời gian qua, công an thường hay kiểm tra nên tụi em mới mang theo nón (chứ không đội), bình thường mang theo nón vướng lắm”.

Theo giải thích, các đoạn đường từ trường về phòng trọ ngắn, lại còn phải tốn tiền gửi nón nên SV ngại mang theo. Các công an viên tại khu vực này cũng ra quân xử phạt nhưng… thậm chí nhiều SV chấp nhận chịu phạt chứ không muốn đội nón bảo hiểm.

Rác cũng là một vấn nạn của khu vực làng đại học này. Tại nhiều tuyến đường, SV vô tư xả rác sau khi ăn uống. Cụ thể như khu vực Hồ đá 621 đang phải gánh chịu một lượng rác thải rất lớn từ SV. Khắp khu vực này chỗ nào cũng đầy rác, nguồn nước đang nhiễm bẩn dần cũng một phần do “ngấm” rác của SV.

Để thực hiện cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh đô thị do Đại học Quốc gia TPHCM phát động, nhiều tấm bảng tuyên truyền 10 điều cấm đối với SV  được dựng lên khu vực này, trong đó có những điều cấm trên nhưng xem ra ít SV quan tâm.

Tại một số trường trong khu vực nội thành, ý thức SV cũng “tệ” không kém. Trước cổng Trường ĐH KHXH-NV (Đinh Tiên Hoàng, quận 1) lúc nào cũng có đông sinh viên tụ tập hút thuốc, uống cà phê, mua hàng rong. Cảnh tượng này diễn ra không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn cho thấy ý thức của SV về việc hưởng ứng cuộc vận động nếp sống văn minh đô thị dường như không có.

Tương tự, vỉa hè trước cổng Trường ĐH Kinh tế TPHCM cũng biến thành quán cà phê cho sinh viên, dù tại đây có treo hai tấm băng rôn rất lớn kêu gọi ý thức xây dựng nếp sống văn minh tại nơi công cộng.

Mong sự chuyển biến mới

Ngay khi cuộc vận động vừa mới được triển khai, nhiều trường ĐH nói chung đều có nhiều hoạt động nhằm hưởng ứng cuộc vận động này. Trong gần một năm thực hiện, Ban chấp hành Đoàn – Hội SV các trường đã tổ chức nhiều phát động nhiều phong trào cho SV tham gia như chủ nhật xanh, ngày thứ bảy tình nguyện… nhằm bảo vệ và giữ gìn môi trường sống.

Tuy nhiên, các phong trào này do không được tổ chức thường xuyên nên nhiều SV vẫn không ý thức được việc hưởng ứng và tham gia cuộc vận động này. Không ít SV khi được hỏi: “Bạn có biết gì về cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh đô thị hay không?” thì đều trả lời: “Bọn em không rõ lắm!”. Hành động vô ý thức của sinh viên ở những nơi công cộng không phải là hiếm. Thậm chí chuyện gây gổ, cãi cọ trong trường vẫn thường xảy ra, nhất là ở khu vực Thủ Đức.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề ý thức của SV trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường sống, anh Nguyễn Xuân Quang, chuyên viên Phòng Công tác Chính trị và Quản lý sinh viên Trường ĐH KHXH-NV cho biết: “Do công tác tuyên truyền cho SV về thực hiện nếp sống văn minh đô thị chưa sâu rộng nên ý thức thực hiện của các bạn vẫn chưa có nhiều chuyển biến lớn”.

Trong thời gian qua, phòng CTCT và QLSV cũng đã đề ra một khung xử lý kỷ luật đối với vi phạm của SV nhưng theo anh Quang thì “SV thuộc tầng lớp trí thức nên ý thức chấp hành vẫn là điều quan trọng nhất”. 

Tại hội nghị “Nếp sống văn minh - an ninh trật tự tại khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM” được tổ chức mới đây, UBND TPHCM và UBND tỉnh Bình Dương đã thống nhất 4 giải pháp cấp bách để lập lại an ninh trật tự, trong đó đề cập đến việc tăng cường tuyên truyền, vận động sinh viên xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Tuy nhiên, qua hơn một tháng triển khai đến nay theo quan sát của chúng tôi, tình hình trên vẫn chưa có một sự thay đổi rõ rệt nào….

XUÂN PHÚ

Tin cùng chuyên mục