Thay mặt Ban giám đốc, ông Kevin Moore, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) bày tỏ niềm vui đón các bạn sinh viên.
Tại đây, ông Kevin Moore đã giới thiệu về quá trình thành lập và quy trình xử lý, tái chế chất thải của Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước thuộc VWS, như: nhà máy xử lý nước rỉ rác, nhà máy thu và phát điện từ khí gas của bãi chôn lấp, nhà máy tái chế...
Hiện nay, mỗi ngày, Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước tiếp nhận và xử lý khoảng 6.000 – 6.500 tấn rác cho thành phố theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh của Mỹ. Lượng rác VWS xử lý mỗi ngày chiếm khoảng 70% tổng lượng rác thải của TPHCM. Một phần quan trọng trong việc xử lý rác của VWS là tái chế rác thành các sản phẩm như phân compost, phát điện…
Công ty VWS có nhà máy xử lý nước 3.000m3/ngày đêm. Nước rỉ rác sau khi qua xử lý được dùng để tưới tiêu, rửa đường, rửa xe vận chuyển rác. Bên cạnh đó, công ty còn thu hồi khí metan để phát điện. Hiện, công ty đã phát điện và sử dụng trong toàn bộ doanh nghiệp.
"Đặc biệt, nhà máy còn thu khí metan để phát điện, không để khí này phát tán ra ngoài. Chúng tôi đã làm tất cả, ứng dụng hầu hết các công nghệ hiện đại nhất tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước nhằm xử lý rác hiệu quả nhất nhưng vẫn bảo đảm tiêu chí bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân", ông Kevin Moore nói.
Sau đó, đoàn sinh viên đi tham quan, tìm hiểu thực tế về các quy trình xử lý chất thải, nước rỉ rác, công nghệ biến rác thành điện tại Công ty VWS.
Anh Arnold Thamrin Halomoan, hiện đang học thạc sĩ tại Trường Đại học Quản lý Singapore, chia sẻ: "Đây là lần đầu tôi đến Công ty VWS. Tôi cảm thấy rất ngạc nhiên, đây là một trải nghiệm rất vui, rất ý nghĩa khi mọi máy móc – thiết bị nơi đây đều rất hiện đại".
“Sau khi tham quan hết về mô hình thu gom, xử lý và tái chế rác thải ở Công ty VWS, tôi nhận thấy mô hình nhà máy của VWS đã sản xuất được năng lượng xanh rất tốt. Tôi rất quan tâm đến năng lượng xanh, đó cũng là mục đích và kỳ vọng tham quan của tôi và chắc chắn rằng, sau hôm nay tôi đã học hỏi được rất nhiều. Tôi rất cảm ơn Công ty VWS, việc tham quan đã giúp tôi mở mang tầm mắt vì quy mô ở đây thật sự rất lớn, rất tiên tiến”, Arnold Thamrin Halomoan bày tỏ.
Dẫn đoàn tham quan, PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu, Viện MT-TN, Viện trưởng Viện Phát triển năng lực lãnh đạo, Phó Trưởng ban - Ban Đào tạo Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết, buổi tham quan Công ty VWS hôm nay của các bạn sinh viên nằm trong chương trình học liên quan đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội.
PGS-TS Hồ Quốc Bằng cho biết, ngành học chính của các bạn là thạc sĩ về Quản trị kinh doanh, các bạn là những thạc sĩ tương lai đến từ nhiều quốc gia trên thế giới và hiện nay theo học tại Trường Đại học Quản lý Singapore.
“Việc tham quan Công ty VWS nhằm giúp các bạn sinh viên trau dồi, học hỏi thêm về phát triển bền vững để có thêm vốn kiến thức, đóng góp vào các nghiên cứu sau này. Qua đó, các bạn sẽ có góc nhìn sâu hơn, biết nhiều hơn về bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh…
Nội dung tham quan hôm nay có sự hợp tác giữa Trường Đại học Quản lý Singapore và Viện Phát triển năng lực lãnh đạo Đại học Quốc gia TPHCM để bồi dưỡng cho sinh viên về các nội dung liên quan đến những giá trị phát triển bền vững – phát triển xanh”, PGS-TS Hồ Quốc Bằng nói thêm.
Nhằm thực hiện chủ trương đổi mới công nghệ xử lý rác tại TPHCM để giảm tỉ lệ chôn lấp, VWS phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước với dự định xây dựng nhà máy đốt rác phát điện. Công suất của nhà máy đốt rác phát điện dự kiến xử lý khoảng 3.000 tấn rác/ngày, đây là số lượng rác còn lại sau khi đã phân loại để tái chế, làm phân hữu cơ. Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án dự kiến là 420 – 750 triệu USD.
Cạnh đó, VWS cũng đang triển khai dự án ủ rác, thu khí gas phát điện tại khu chôn lấp đã bắt đầu vận hành và đang được bộ phận kỹ thuật theo dõi.