Sinh viên trong cơn “sốt giá”

Cái gì cũng tăng giá!
Sinh viên trong cơn “sốt giá”

Cái gì cũng tăng giá!

Mới đi chợ về, Thanh Tâm, sinh viên ĐH KHXH-NV TP HCM vừa bày mấy thứ ra, nói như than: “Dạo này đi chợ sợ quá! Cái gì cũng tăng giá vèo vèo”. Chỉ vào mớ thức ăn mới mua, Tâm nói với người bạn cùng phòng: “Chỉ chừng này thôi mà đã gần 20.000đ rồi đấy”.

Sinh viên trong cơn “sốt giá” ảnh 1

Mua gì đây?

Cả tháng nay, phòng trọ ba người của Tâm chỉ ăn mỗi rau, thỉnh thoảng nhận được tiền “viện trợ” của gia đình mới dám mua vài lạng thịt kho mặn với đậu hũ để chống… suy dinh dưỡng.

Tâm sự với chúng tôi, các bạn cho biết “thịt giá 60.000đ đến 65.000đ/kg, cá cũng tùy loại nhưng cũng mắc lắm nên bọn em chẳng dám mơ tới”. Nhiều sinh viên ra chợ chỉ mua rau, vài ba miếng đậu hũ, còn thịt, cá chỉ dám… liếc mắt rồi đi qua.

Gặp Diễm đang nấn ná trước cửa hàng, tôi bắt chuyện thì được biết em từ miền Trung vào đây ôn thi. Hàng ngày, em được giao đi chợ, nấu ăn. Diễm cho biết: “Trước đây, 20.000đ em có thể chuẩn bị một bữa ăn đầy đủ các món cho cả phòng nhưng giờ giá tăng quá nên… bó tay. Chưa kể, ôn thi nhưng chi tiêu đủ thứ: tiền thuê phòng, tiền điện nước, tiền ăn, tiền mua sách… cũng hết hơn 1 triệu đồng, vừa rồi ngoài quê bị lũ lụt nên tiền bố mẹ gửi chắc sẽ ít đi. Không biết giá cứ tăng thế này chắc em phải về quê thôi!”.

Không có điều kiện đi chợ, chi phí của Hùng, Tuấn, Phú (SV ĐH KHXH-NV) đang ở trọ trên đường Nguyễn Hữu Cảnh càng “bi thảm” hơn. Trong cơn “bão giá”, các quán cơm cũng đua nhau tăng.

Tuấn cho biết: “Tháng trước, một đĩa cơm giá 7.000đ nhưng nay tăng lên 9.000đ”. Nhìn đĩa cơm rời rạc với vài lát thịt mỏng và mấy cọng rau mà chua xót. Khi tôi hỏi “ăn thế này lấy sức đâu để học bài?”, Hùng nói như thanh minh: “Sinh viên bọn em lấy tiền đâu ra mà ăn ngon hả anh!”. 

Lâu nay, Làng Đại học Thủ Đức vẫn được xem là “thiên đường” của sinh viên nhưng khi cơn “bão giá” tràn về thì mọi chuyện đã khác. Ngay như KTX Đại học Quốc gia, một đĩa cơm ở căn tin cũng tăng thêm 1.000đ, các loại thức uống, trái cây cũng tăng từ 500 đến 1.000đ một món. Một bó rau giờ cũng không dưới 2.000đ, đến như hành tỏi, muối… cũng theo nhau tăng lên.

Chứng kiến hai sinh viên đứng tại hàng rau trả giá tôi được nghe chị chủ quán giải thích: “Không phải chị bán mắc đâu, xăng tăng thì các thứ khác cũng tăng thôi”. Mới bước vào năm học mới, hai chị em Thúy và Thương, quê ở Nghệ An, sinh viên Khoa Kinh tế đã phải xoay xở đủ cách để chống chọi với giá cả.

Thương nhẩm tính: “Đầu năm sắm hết 600 ngàn đồng tiền sách, vở, dụng cụ học tập. Mỗi tháng tiền phòng 500 ngàn đồng, rồi tiền ăn, điện nước, các khoản chi phí khác ngốn hết gần 2 triệu đồng”.

Sống chung với giá?

Trong tình hình giá cả leo thang vùn vụt, rất nhiều sinh viên đã nghĩ ra rất nhiều “kế sách” để sống chung với giá. Mấy anh bạn cùng phòng với Tuấn cho biết “mấy tháng nay, do xôi, mì tôm… tăng giá nên bọn em nhịn luôn khoản ăn sáng. Dạo đầu chưa quen nên đói lắm nhưng giờ thì một tháng cũng giảm được 60.000đ tiền ăn rồi”.

Tuy nhiên, tiết kiệm chừng đó không thấm vào đâu so với khoản chi tiêu hàng tháng nên ba anh chàng này phải tính cách khác. Một tuần hai buổi, đang giữa giờ học cả ba xin thầy vắng mặt để chạy ra ngoài làm thêm.

“Có hôm làm sớm, bọn em chỉ lên cho có mặt rồi về đi làm. Tuần nào cũng nghỉ 2 – 3 buổi học, tiếc lắm! Nhưng không đi làm thì biết lấy gì mà trang trải cuộc sống hàng ngày”, Tuấn nói.

Còn với Thanh Tâm (SV ĐH KHXH-NV) thì còn tệ hơn, dù đã tính toán rất cặn kẽ nhưng số tiền hàng tháng gia đình gửi không đủ chi tiêu. Tâm nghỉ học liên tục để đi làm nhân viên bán bánh cho một cửa hàng ở quận 5. Có hôm, đến 22g mới về phòng, mệt nhừ nên không muốn ngó ngàng gì tới sách vở.

Kết quả là Tâm để rớt mất suất học bổng kỳ vừa rồi. Tâm sự với chúng tôi, Tâm cho biết: “Có lúc em đã nghĩ tới việc bảo lưu kết quả một năm để kiếm tiền sau đó học tiếp nhưng bạn bè khuyên nên lại thôi”.

Cơn sốt giá hoành hành là một thử thách lớn với những sinh viên nghèo. Thực tế cho thấy, nhu cầu tìm hiểu, học tập, giải trí của sinh viên là rất lớn nhưng trong tình hình hiện nay thì các bạn đành phải bấm bụng vì cứ hễ bước ra đường là phải chi tiêu. Thậm chí, vì nỗi lo cơm áo mà nhiệm vụ quan trọng nhất là học hành cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

 Thạc sĩ Trần Đình Lý, ĐH Nông Lâm TPHCM:

Đúng là khi giá cả leo thang, ai cũng khổ cả. Tuy nhiên, tầng lớp sinh viên, theo tôi, mức ảnh hưởng cũng có, nhưng không đến nỗi. Sống trong môi trường giáo dục, các em đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của nhà trường.

Các suất ăn uống ở trong khu vực trường cũng đã góp phần hạn chế sốt giá, do nhà trường chọn nhiều đối tác, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, phần nào giảm chi phí cho các em SV.

Lời khuyên chân tình là các em hãy hết sức tiết kiệm trong chi tiêu, chỉ nên chi tiêu những khoản cần thiết phục vụ cho việc học hành, ăn ở, bớt việc chơi một chút. Các sân chơi trong trường đều có đủ, các em nên tham gia, nên tránh tham gia các việc không cần thiết, vô bổ...

Ngoài ra, nhà trường, thông qua TT Hỗ trợ SV và Quan hệ doanh nghiệp, Đoàn trường đã tổ chức nhiều việc làm thêm, bán thời gian để các em có thêm nguồn thu nhập, hỗ trợ phần nào các chi phí cần thiết cho các em.

Ở Trường ĐH NLTPHCM chưa có ai bỏ học vì đợt sốt giá này.

Quang Quý

Tin cùng chuyên mục