Chuẩn bị kỹ càng
Chia sẻ với PV Báo SGGP, Mai Kiều Anh, sinh viên năm ba, Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thực tập, bạn đã tự bổ sung cho mình kỹ năng và kiến thức, đầu tư kế hoạch bài dạy chỉn chu cũng như chuẩn bị cho vẻ ngoài, trang phục lịch sự, nhất là sự tự tin khi phát biểu trước đám đông.
“Đối với em, tâm lý vững vàng để không bị run, bỡ ngỡ khi đứng trước học sinh là yêu cầu quan trọng nhất. Dù chuẩn bị cẩn thận đến mấy thì khi thực hành vẫn sẽ không tránh khỏi tình huống phát sinh, nên em sẽ cố gắng xem tất cả là sự trải nghiệm, giúp mình rút ra bài học kinh nghiệm trước khi trở thành giáo viên thật sự”, Kiều Anh bày tỏ.
Trước khi nhận lớp thực tập, sinh viên này đã tìm đọc nhiều sách báo, câu chuyện về tình huống sư phạm trên mạng; kết hợp tìm kiếm thông tin trên website, fanpage các trường phổ thông để tích góp thêm kinh nghiệm đứng lớp.
Với Trần Ái Diệp, sinh viên năm ba, Khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, giáo viên không phải lúc nào cũng đúng. Vì vậy, sinh viên này tự nhủ sẽ chủ động tiếp cận học sinh trên tinh thần cởi mở, sẵn sàng lắng nghe ý kiến của học sinh. Khi đó, học tập trở thành quá trình đồng hành giữa người dạy và người học chứ không phải quá trình giao tiếp một chiều, thầy cô nói - học trò nghe.
Tại Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), Phó hiệu trưởng Huỳnh Thị Thúy Hằng thông tin, trường tổ chức đón sinh viên thực tập từ trước Tết Nguyên đán 2023. Năm nay, số lượng sinh viên thực tập tương đương các năm trước, với 55 sinh viên. Trong đó, hơn 30% sinh viên sẽ thực tập giảng dạy ở khối 10, phần lớn ở khối 11 và một ít ở khối 12. Do đây là năm đầu tiên các trường THPT triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở khối 10 với nhiều đổi mới về chương trình và phương pháp giảng dạy, nên ngay từ khi tiếp nhận sinh viên, nhà trường đã tạo điều kiện cho các giáo viên tương lai dự giờ tiết thao giảng mẫu ở các môn học nhằm giúp các bạn nắm rõ những đổi mới về nội dung và phương pháp.
Bên cạnh đó, giáo sinh thực tập còn được tạo cơ hội ra đề kiểm tra và chấm bài kiểm tra của học sinh theo yêu cầu của chương trình mới, tham gia dạy học các môn mới của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cũng như dạy học trực tuyến, sinh hoạt chuyên đề theo hình thức trực tuyến. Tương tự, tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), theo Phó hiệu trưởng Nguyễn Hùng Khương, giáo sinh thực tập sẽ được phân công đứng lớp ở hai khối 10 và 11, đồng thời phụ trách công tác chủ nhiệm như một giáo viên thực thụ.
“Trước ngày thực tập, sinh viên các chuyên ngành sư phạm đều được cung cấp số điện thoại giáo viên hướng dẫn để có sự trao đổi, chuẩn bị chu đáo cho kỳ thực tập”, thầy Khương cho biết.
Chú trọng kỹ năng giao tiếp sư phạm
Tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, lưu ý, ngoài việc chuẩn bị kiến thức và kỹ năng đứng lớp, sinh viên thực tập cần rèn luyện thêm năng lực giao tiếp sư phạm.
“Sở dĩ cùng một bài giảng nhưng giáo viên này giảng học sinh thích nghe, người kia giảng học sinh cảm thấy chán là do nghệ thuật giao tiếp của giáo viên - từ âm vực lời nói, cách lên xuống giọng, giao tiếp với học sinh qua ánh mắt, nụ cười, cử chỉ, nét mặt, phong cách...”, thầy Phú cho biết.
Để có kỹ năng giao tiếp sư phạm, các thầy cô cần học cách quan sát và quan tâm học sinh, dạy học kết hợp giữa tình thương và trách nhiệm. Đặc biệt, giáo viên trẻ mới ra trường thường mắc lỗi đặt câu hỏi thiếu rõ ràng, không nắm chắc vấn đề đưa ra. Thầy Huỳnh Thanh Phú khẳng định, dạy học hiện nay không chỉ cung cấp kiến thức đơn thuần cho học sinh, mà còn cần tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh tương tác, khơi gợi sự tò mò và sáng tạo của các em.
Đồng quan điểm, cô Huỳnh Thị Thúy Hằng cho rằng, tác phong và cách thức giáo sinh tương tác với học sinh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định hiệu quả thành công của tiết dạy. Do đó, tại Trường THPT Lương Thế Vinh, giáo sinh sẽ được giáo viên hướng dẫn đồng hành trong tất cả hoạt động thực tập, chỉ khi kỹ năng giao tiếp sư phạm vững vàng mới được tiếp xúc riêng lẻ với học sinh.
GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM, nhắn gửi, các thầy cô giáo thế hệ Z (năm sinh từ cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2000) cần tận dụng lợi thế tiếp cận và vận dụng nhanh phần mềm, ứng dụng công nghệ vào dạy học. Bên cạnh đó, các bạn có thế mạnh là sự năng động, không ngừng trau dồi kỹ năng và kiến thức, phương pháp sư phạm với quan điểm cởi mở, có cá tính riêng, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục cho học sinh. Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM mong muốn các thầy cô giáo tương lai sẽ xây dựng những tiết học có cảm xúc, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực cho người học, đồng thời gieo hạt mầm ý tưởng khởi nghiệp cho học sinh.