Nét văn hóa truyền thống đặc trưng
Sinh viên Amanda Ross, du học sinh Vương quốc Anh đang học tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, bày tỏ: “Thật may mắn khi tôi được đến Việt Nam vào mùa xuân năm 2023 qua một chương trình trao đổi văn hóa. Điều tôi thích nhất ở đây chắc chắn là đồ ăn Việt. Từ phở tới cơm và những món khác đều có hương vị hấp dẫn. Và tôi được đón tết cổ truyền của người Việt thật thú vị. Tôi trải nghiệm các hoạt động như đi chợ tết và học gói bánh chưng, bánh tét. Đối với sinh viên quốc tế, việc được tham gia vào những hoạt động tết truyền thống là một trải nghiệm đặc biệt, khiến cho tôi cảm nhận được sự ấm áp và lòng hiếu khách của người Việt Nam”.
Trong khi đó, sinh viên Connor Shaun Moore, du học sinh Australia tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, lại có cảm nhận rất riêng về trang phục truyền thống của người Việt Nam trong ngày tết cổ truyền. “Trải nghiệm mà tôi khó quên nhất chính là được mặc áo dài, một lễ phục truyền thống người Việt Nam thường mặc trong ngày tết cũng như trong các ngày lễ đặc biệt, và cả lễ bế giảng chương trình học tập của trường. Qua đó, tôi càng thêm yêu con người, văn hóa Việt, tinh thần Việt Nam”, Connor Shaun Moore chia sẻ. Còn với Konaka Yuichiro (Nhật Bản), sinh viên năm 4 khoa Việt Nam học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), thì ngày tết cổ truyền của người Việt Nam là ngày đặc biệt nhất trong năm. Đây là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong năm mới. “Ở Nhật Bản không còn tết cổ truyền mà chỉ ăn tết Tây, nhưng cũng là ngày đặc biệt nhất trong năm. Điều mình ấn tượng nhất đối với tết của người Việt Nam là có nhiều món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét. Một nét rất ấn tượng nữa là cách người Việt Nam chưng mâm ngũ quả trong ngày tết với nhiều ý nghĩa cho năm mới sung túc, làm ăn phát tài phát lộc”, Konaka Yuichiro nói.
Cảm nhận như ăn tết ở quê nhà
Theo Lee Ah Nam, người Hàn Quốc, sinh viên năm 4 khoa Việt Nam học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), điểm tương đồng của ngày tết Việt Nam và Hàn Quốc là văn hóa lì xì. Điểm khác biệt là ở Việt Nam, trẻ em nhận tiền lì xì trong bao lì xì, còn ở Hàn Quốc trẻ em được nhận trong một cái túi gọi là “túi phúc”. Ngoài ra, ở Hàn Quốc, con cháu phải lạy chào ông bà mới được nhận tiền lì xì, nhưng ở Việt Nam thì chỉ cần vòng tay, lễ phép chúc tết ông bà và người lớn thì sẽ được nhận lì xì. “Điều mình ấn tượng nhất là vào tết cổ truyền Việt Nam, cả gia đình tụ họp lại cùng nhau gói bánh tét, bánh chưng và có nhiều trò chơi dân gian trong ngày tết”, Lee Ah Nam nói.
Là một du học sinh Lào đang sống ở ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM, Thynouvong Kongsy không về nước mà ở lại TPHCM để ăn tết với nhiều cảm xúc. Những ngày này, các bạn cùng phòng chuẩn bị quà bánh, sắp xếp đồ đạc, hành lý để về quê đón tết... càng khiến Thynouvong Kongsy thêm nhớ nhà. “Tuy nhiên, tụi mình cũng rất vui khi ban quản lý ký túc xá tổ chức hoạt động hội trại dành cho lưu học sinh vui xuân đón tết xa nhà. Để cảm nhận được những nét văn hóa của ngày tết cổ truyền Việt Nam, mình sẽ tham gia tất cả các hoạt động như tập gói bánh chưng, bánh tét, tham gia các trò chơi dân gian. Điều mình cảm thấy ấm lòng là được Ban Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM đến thăm, chúc tết, tặng quà, được lì xì. Các thầy cô đang dạy tiếng Việt cho mình cũng luôn đồng hành và chia sẻ nên mình cảm thấy tự tin hơn để hòa mình vào các hoạt động vui xuân đón tết để cảm nhận đầy đủ hương vị ngày tết của Việt Nam”, Thynouvong Kongsy vui vẻ nói.
Dù đã trải qua 4 cái tết tại Việt Nam nhưng với Xaiyasongthor Tulee (du học sinh Lào, sinh viên năm thứ 5 ngành Y khoa của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành), Tết Nguyên đán Xuân Giáp Thìn năm 2024 vẫn khiến em có những cảm xúc đặc biệt về ngày tết cổ truyền của Việt Nam. Nhà trường giúp các bạn du học sinh cảm nhận cái tết một cách trọn vẹn nhất thông qua các hoạt động: bày trí mâm ngũ quả, gói bánh chưng, bánh tét, cùng ăn tất niên... Xaiyasongthor Tulee kể: “Năm 2023, em được một người bạn mời về quê ở An Giang ăn tết. Em cùng gia đình bạn đón giao thừa, ăn cơm đầu năm, nhận lì xì, đi chùa, trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất...Em thấy rất thích ngày tết cổ truyền Việt Nam, với nhiều nét văn hóa truyền thống rất riêng nhưng cũng tương đồng với tết ở quê nhà xa xôi”.