Ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) đã tiếp thầy cô và các bạn sinh viên năm 4 của Khoa Môi trường. Tại đây, ông Kevin Moore giới thiệu về lịch sử hình thành bãi chôn lấp rác Đa Phước, cũng như quy trình xử lý chất thải của VWS.
Sau khi các bạn sinh viên cho biết đều ở TPHCM, ông Kevin Moore hài hước chia sẻ, vậy rác thải của các bạn phần lớn đến đây. "Mỗi ngày, chúng tôi đều thấy rác thải của các bạn", ông Kevin Moore cười rồi nói tiếp.
Buổi tiếp các sinh viên Khoa Môi trường diễn ra rất cởi mở, với nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh câu chuyện xử lý rác thải. Một điều rất thuận lợi là các bạn sinh viên trao đổi bằng tiếng Anh với ông Kevin Moore rất tốt.
Ngay sau đó, ông Kevin Moore dẫn các bạn sinh viên đến phòng trưng bày mô hình cấu tạo lớp lót đáy bãi chôn lấp Đa Phước. Tại đây, ông đã giới thiệu rất nhiều về cách thức các kỹ sư đã làm việc thế nào để có bãi chôn lấp rác ngày hôm nay.
Đoàn sinh viên và thầy cô Khoa Môi trường được công ty bố trí xe đưa đi thực tế trên bãi rác, vào các trạm xử lý nước rỉ rác... Tại đây, các bạn sinh viên được kỹ sư của công ty giới thiệu về quy trình xử lý nước rỉ rác.
Hầu hết cảm giác ban đầu của các sinh viên khi tiếp xúc với nước rỉ rác là e ngại mùi hôi. Anh Nguyễn Trung Hiếu, kỹ sư của VWS hài hước cho biết, sau này các bạn ra trường làm kỹ sư môi trường thì "không sạch sẽ" đâu. Nghề này đôi khi nhìn thấy dơ dơ vậy đó.
Các bạn sinh viên chia nhau cầm lọ nước rỉ rác quan sát, ngửi thử trước khi qua tham quan công đoạn nước rỉ rác được xử lý qua màn lọc bằng công nghệ hiện đại. Tất cả đều bất ngờ bởi lọ nước rỉ rác trước và sau khi xử lý hoàn toàn khác nhau.
Sinh viên Lê Vi Na cho biết, đây là chuyến đi tham quan tìm hiểu quy trình xử lý rác thải phục vụ cho năm học cuối khóa. Khi đến đây, cảm giác ban đầu của tôi là rất ấn tượng bởi khu xử lý rất to và hiện đại hơn rất nhiều cơ sở xử lý tương tự mà tôi đã đi.
Ấn tượng và mạnh dạn đặt câu hỏi với đại diện VWS, Sinh viên Lê Hải Nghi (chuyên ngành công nghệ kỹ thuật môi trường) hỏi: "Sau buổi thực tế hôm nay, chúng tôi có thể xin vào thực tập hoặc ra trường rồi gửi đơn xin vào làm việc được không?"
Chia sẻ về ý định này, sinh viên Lê Hải Nghi cho rằng đây là cơ sở xử lý chất thải rất hiện đại mà bản thân từng biết, cả công nghệ xử lý cũng hiện đại nên rất muốn được thực tập hoặc làm việc ở một môi trường như vậy.
Trước khi chia tay đoàn sinh viên, ông Kevin Moore đã gửi lời cám ơn đến thầy cô và các bạn sinh viên đã dành thời gian đến tham quan, tìm hiểu. Ông cũng nói với sinh viên rằng, sau này các bạn ra trường, nếu có yêu thích ngành xử lý rác thải thì nộp đơn xin việc đến công ty, công ty rất vui khi đón chào các bạn trong tương lai.
Thạc sĩ Hồ Trương Nam Hải, Giảng viên Khoa Môi trường, Trường ĐH KHTN (ĐH Quốc gia TPHCM) dẫn đoàn đi thực tế cho biết, đợt này đoàn có 29 bạn sinh viên năm 4 cùng 2 thầy cô đến tham quan đoàn. Chuyến tham quan giúp các bạn sinh viên tìm hiểu một cơ sở thực tế về công ty xử lý chất thải, đồng thời giúp các bạn sinh viên nghiên cứu có cái nhìn tổng quan về một bãi chôn lấp hoạt động ra sao tại Việt Nam.
Theo thầy Hải, qua giới thiệu của công ty đã giúp các bạn sinh viên hiểu được phần nào quy trình xử lý chôn lấp rác, sung cấp nhiều kiến thức thực tế cho các bạn sinh viên. Từ đó, các bạn sẽ làm một báo cáo về chuyến đi thực tế này để phục vụ cho môn học năm cuối trước khi ra trường. Nơi đây là một bãi chôn lấp khá hoàn thiện, quy trình tiếp nhận xử lý rác đáp ứng các tiêu chuẩn của một bãi chôn lấp hiện đại.