Sinh viên đưa “Tiếng trống chầu” đến với người trẻ

Tiếng trống chầu là chương trình biểu diễn nghệ thuật hát bội do nhóm sinh viên năm 2 Trường Đại học Văn Lang thực hiện. Chương trình được tổ chức nhằm mục đích giúp người trẻ tiếp cận, hiểu và thêm yêu loại hình văn hóa đặc sắc này của dân tộc.

Các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM biểu diễn trích đoạn “Tạ Ôn Đình chém Khương Linh Tá”
Các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM biểu diễn trích đoạn “Tạ Ôn Đình chém Khương Linh Tá”

Từ ý tưởng của một sinh viên trong nhóm có ký ức tuổi thơ gắn liền với nghệ thuật hát bội, nhóm sinh viên năm 2 thuộc hai ngành Quan hệ công chúng và Truyền thông đa phương tiện (Trường Đại học Văn Lang) đã bắt tay vào triển khai chương trình. Chương trình biểu diễn nghệ thuật Tiếng trống chầu nằm trong khuôn khổ môn học Tổ chức và quản trị sự kiện, được các sinh viên lên ý tưởng và chuẩn bị trong thời gian chưa đầy 2 tháng.

Tối 6-8, tại Hội trường A.0101 Trường Đại học Văn Lang cơ sở 2, chương trình biểu diễn nghệ thuật hát bội Tiếng trống chầu đã diễn ra với sự tham gia của đông đảo sinh viên và phụ huynh. Trong suốt 2 tiếng đồng hồ, khán giả được dẫn dắt vào một hành trình tìm hiểu những khía cạnh đặc sắc của nghệ thuật hát bội.

Đúng như tên gọi, chương trình mở đầu với tiếng trống chầu đưa khán giả vào thế giới của loại hình hát bội. Vở tuồng Tạ Ôn Đình chém Khương Linh Tá được trình diễn trên sân khấu với sự tham gia của 4 nghệ sĩ: nghệ sĩ Bảo Châu, nghệ sĩ Khổng Minh Khương, nghệ sĩ Hoàng Hà và nghệ sĩ Hoàng Tuấn. Các nghệ sĩ đều đến từ Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM. Trích đoạn mở ra cho khán giả trẻ chưa có cơ hội tiếp xúc với loại hình này có những hình dung ban đầu về một vở tuồng trong nghệ thuật hát bội.

Nhằm giúp người xem có những kiến thức chuyên sâu về nghệ thuật hát bội, ở phần 2 của chương trình là Talkshow “Nghệ thuật hát bội - Hồn dân tộc”. Khán giả được lắng nghe những chia sẻ từ Nhà nghiên cứu - Th.s Vương Hoài Lâm và ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM.

Đáng chú ý, tại chương trình, sinh viên còn được tham gia giao lưu và trực tiếp thực hành các động tác cơ bản trong biểu diễn hát bội ngay trên sân khấu dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ Hà Trí Nhân.

752940fedfb77be922a6.jpg
Nghệ sĩ Hà Trí Nhân hướng dẫn sinh viên thực hiện một vài động tác cơ bản trong nghệ thuật hát bội

Xuất hiện tại chương trình Tiếng trống chầu, NSƯT Linh Phước - người nghệ sĩ tài năng và có nhiều đóng góp cho nghệ thuật hát bội - đã có những chia sẻ về câu chuyện gắn bó với nghề cũng như công việc vẽ mặt nạ. Đặc biệt, trong thời gian ít ỏi trên sân khấu, NSƯT Linh Phước đã hướng dẫn các sinh viên thực hành vẽ trang trí mặt nạ.

Trong đêm diễn, ban tổ chức còn mang đến màn trình diễn các trang phục quen thuộc của nghệ thuật hát bội.

4135dde342aae6f4bfbb.jpg
Phần trình diễn các trang phục của nghệ thuật hát bội với sự tham gia của các nghệ sĩ

Đặc biệt, bộ trang phục mang tên “Sấu xem hát bội” từng xuất hiện trong đêm thi trang phục văn hóa dân tộc của cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 là điểm nhấn của màn trình diễn. “Sấu xem hát bội” lấy cảm hứng từ một trong những cốt truyện nổi tiếng Nam bộ thời khẩn hoang về vùng đất Cần Thơ, giúp lý giải cho sự ra đời tên gọi địa phương quen thuộc như Cái Răng, Đầu Sấu…

Hà Ny, Trưởng Ban Đối ngoại của chương trình Tiếng trống chầu, chia sẻ: “Thông qua dự án này, nhóm chúng tôi hi vọng các bạn trẻ nhớ đến một hình thức nghệ thuật đáng tự hào của dân tộc đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể”.

Tin cùng chuyên mục