“Cháy túi” vì chi phí mua kit test
Trở lại trường từ ngày 7-2, em Nguyễn Thị Kim Anh (20 tuổi, sinh viên năm 2 trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) cho biết, sau khoảng thời gian trở lại trường, dù mới học tuần đầu, em lần lượt tiếp xúc với hơn 5 trường hợp F0 là bạn cùng lớp. Mặc dù không quá hoang mang khi tiếp xúc với F0 nhưng chi phí mua kit test lại là một áp lực lớn đối với sinh viên năm 2.
“Hơn 2 tuần đi học lại, em đã test nhanh Covid-19 hơn 6 lần, tiền mua kit test lên tới hơn 500.000 đồng. Đây là một con số không hề nhỏ đối với một sinh viên”, em Kim Anh chia sẻ.
Tương tự, em Lê Thị Thu (22 tuổi, sinh viên năm 4 trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng) đã bỏ tiền ra để mua kit test nhanh Covid-19 tới hơn 500.000 đồng, tương đương với số tiền sinh hoạt 1 tuần của bản thân.
Không những thế, khi có thông báo học trực tiếp, đa số các khu nhà trọ sinh viên ở gần các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Đà Nẵng đều trong tình trạng "cháy phòng". Một phần là lượng sinh viên tìm nhà trọ nhiều nhưng một số dãy trọ có các ca mắc Covid-19, các chủ nhà trọ chưa cho thuê dẫn đến nhà trọ càng khan hiếm.
Gần 1 năm về tỉnh Quảng Bình, ở nhà học trực tuyến, em Nguyễn Trung Hiếu, sinh viên năm 4, trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng đã trở lại trường. Trước ngày nhập học, em lên mạng, hỏi thăm người quen để tìm nhà trọ gần trường, tuy nhiên, các phòng trọ đều kín chỗ ở.
Hết cách, em Trung Hiếu phải thuê 1 phòng cách xa trường học. Không những thế, dù dịch bệnh, em Hiếu chấp nhận ở cùng với 2 đồng hương là sinh viên năm nhất cùng trường. Phòng trọ chừng 10 - 12m2, chỉ đủ kê 1 chiếc giường nhỏ cho 2 người nằm và 1 bàn học nên phải lót thêm tấm nệm giữa phòng mới đủ chỗ cho 3 người.
Hỗ trợ sinh viên mắc Covid-19
Vừa qua, TS. Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng Đại học Đông Á (TP Đà Nẵng) cho biết, nhà trường quyết định hỗ trợ 1 liệu trình thuốc kháng virus Molnupiravir cho toàn thể sinh viên và giảng viên, cán bộ nhân viên khi bị mắc Covid-19.
Thông báo này được trường đưa ra thảo luận và quyết định ngay sau khi Cục Quản lý dược, Bộ Y tế chính thức công khai giá bán và phát hành loại thuộc kháng virus Molnupiravir với một liều có giá 250.000 đồng vào chiều ngày 23-2. Quy trình khám và mua thuốc được Tổ phòng chống dịch nhà trường hướng dẫn theo quy định của Bộ Y tế.
Đồng thời, trường cũng tặng dung dịch sát khuẩn bỏ túi đạt chuẩn do Khoa Dược trực tiếp bào chế và khẩu trang y tế kịp thời đến sinh viên qua các đội tình nguyện thường trực của Đoàn Thanh niên. Phòng Quản lý đào tạo và Công tác sinh viên cũng bố trí lịch học trực tiếp tăng dần thay vì tỷ lệ lên lớp/học online và học đảo như trước đây, nhất là với sinh viên năm nhất chưa quen, cần được ổn định.
“Đây là chương trình nhằm ổn định việc học cũng như bảo vệ sức khỏe sinh viên, thầy cô và cán bộ nhân viên nhà trường trong trạng thái bình thường mới, song song với các phương án tổ chức học tập an toàn được đồng bộ triển khai tại trường”, TS. Nguyễn Thị Anh Đào cho hay.
Cũng theo PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng, việc sinh viên trở thành F0, F1 sẽ ảnh hưởng đến tiến độ học tập của các em. Chính vì vậy, căn cứ vào thời gian nghỉ học, nhà trường có thể có những phương án tổ chức học tập để không ảnh hưởng đến việc học tập của các em. Chẳng hạn như nếu số tiết nghỉ không quá 20% thì sinh viên vẫn đủ điều kiện thi kết thúc học phần. Nếu số thời gian nghỉ quá 20% thì có thể tạo điều kiện để sinh viên đăng ký học bổ sung.