Chương trình “Nghệ nhân trao truyền” với chủ đề “Mặn mòi vị biển Nam Ô”
Bắt nguồn từ lượng cá đánh bắt còn dư nhiều, người dân làng Nam Ô lấy số cá đó nhiều lần thử muối để khỏi bị hư hỏng, từ đó Làng nước mắm Nam Ô được sinh ra
Nước mắm Nam Ô đã từng là sản phẩm dâng cho vua chúa, được chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống, có hương thơm mùi vị đặc trưng, ngọt tự nhiên, màu đỏ thẩm như màu cánh gián
Nghệ nhân Trần Ngọc Vinh - Chủ tịch hội làng nghề nước mắm Nam Ô, 40 năm làm nghề, thế hệ thứ tư trong gia đình gắn bó với công việc này: “Đây là một di sản văn hóa phi vật thể nhưng tôi cho đây là một tài sản vô giá đối với làng nghề, những con người làm nước mắm Nam Ô.”
Muốn giữ gìn được làng nghề lâu dài, nước mắm Nam Ô không nên dùng chất bảo quản, hóa chất, chất tạo mùi, chất tạo màu
Với thời gian ủ 12 tháng, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, chúng ta chú ý 5 khâu: sạch sẽ; sắp xếp trình tự; sẵn sàng nguyên vật liệu khi cá về; khi muối cá ta phải sàng lọc; sửa soạn, tính toán muối cá phù hợp trong 12 tháng để ra nước mắm
Trong quá khứ, nghề làm nước mắm chỉ là những nghề phụ của một số hộ gia đình trong các cộng đồng làng xã. Trải qua thời gian tồn tại và phát triển, các nghề này đã trở thành một bộ phận quan trọng trong truyền thống lịch sử, văn hóa của mỗi làng quê nơi đây và góp phần vào việc định hình cho những giá trị văn hóa trên mảnh đất Đà Nẵng thêm phong phú, đặc sắc
Hiện nay, sản phẩm của làng nghề được tiêu thụ trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận
Sự kiện có sự tham dự của giảng viên, sinh viên trường Đại học Duy Tân, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm và khách du lịch nước ngoài
Được biết trường Duy Tân thường xuyên dẫn sinh viên đi thực tế, tham quan tại các bảo tàng, đây là lần thứ 4 cô Trần Thị Tú Nhi, giảng viên Khoa Du lịch trường Đại học Duy Tân đến bảo tàng. Cô Tú Nhi cho biết, chương trình mang những di sản vật thể cũng như phi vật thể đến với cộng đồng đặc biệt là các bạn sinh viên, để các bạn sinh viên có cơ hội trải nghiệm thực tế và hiểu biết thêm về các làng nghề truyền thống.
“Bảo tàng nên kết hợp với các nghệ nhân, làng nghề truyền thống trên địa bàn và các tỉnh thành lân cận để mang di sản đến với cộng đồng nhiều hơn, có thêm sức sống và giúp cho những thế hệ trẻ có thêm tình yêu với di sản văn hóa Việt Nam nhiều hơn” - Cô Tú Nhi chia sẻ.
Biết đến sự kiện, em Nguyễn Thanh Trọng, sinh năm 1999, sinh viên khoa Hóa, ngành Công nghệ thực phẩm, trường đại học Bách Khoa Đà Nẵng cho biết: “Em cảm thấy những hoạt động này khá thú vị khi được tự tay làm nước mắm, muối cá, được nghe những thông tin bổ ích từ các nghệ nhân. Đặc biệt, cuối chương trình, chúng em còn được thưởng thức nước mắm qua món bánh tráng cuốn thịt heo. Em nhận thấy vị mặn và ngọt của nước mắm Nam Ô tự nhiên hơn nước mắm công nghiệp.”