Liếc nhìn đồng hồ đã chỉ sang 19 giờ 30 phút, đã chậm giờ họp 30 phút so với thời gian ghi trên thư mời mà hội trường chỉ có hơn 30 đảng viên, Bí thư Chi bộ Khu phố 1 Nguyễn Văn Sáu sốt ruột nói: “Thôi, chi bộ ta vẫn họp. So với tổng số đảng viên diện Quy định 76, cuộc họp hôm nay vắng hơn một nửa. Một năm định kỳ có 2 cuộc họp với chi bộ khu phố mà nhiều đảng viên viện đủ lý do để xin vắng, thậm chí có nhiều đồng chí còn vắng không xin phép”.
Cuộc họp của một chi bộ khu phố thuộc Đảng bộ quận 3 mà chúng tôi ghi nhận được ở trên không phải là cá biệt. Hầu hết các cuộc họp chi bộ ở địa bàn dân cư đối với đảng viên tại chức sinh hoạt diện Quy định 76, rất ít khi dự đủ 100%.
Thành phần dự họp dù đã được ghi rõ họ, tên, địa chỉ nhà của đảng viên, thế nhưng cũng không hiếm trường hợp người nhà là vợ, chồng, hoặc con đi thay (có trường hợp không là đảng viên). Điểm danh xong, dự khoảng một lúc thì đã thấy bỏ về.
Chi ủy Chi bộ Khu phố 2, phường Sơn Kỳ trong một cuộc họp phân tích, đánh giá phiếu khảo sát của đảng viên
Chưa kể, khi đến dự họp nhiều đảng viên còn ẵm theo con nhỏ, đang họp thì cháu bé quấy khóc, thế là có lý do để xin về sớm… Nội dung các cuộc họp thường rất đơn điệu, với phần đầu là bí thư chi bộ thông qua báo cáo của đảng bộ phường về tình hình kinh tế, xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn.
Đến phần thảo luận, góp ý cũng rất ít đảng viên phát biểu, ai cũng nghĩ “sợ mất thời gian của mọi người”. Tiếp sau là phần cuối cuộc họp, đại diện đảng ủy phường lên phát biểu vài câu và tuyên bố kết thúc, mọi người ra về.
Ngoài ra, còn phải kể đến một thủ tục mà cuộc họp nào cũng phải có, đó là đóng góp các khoản chăm lo, hỗ trợ hộ nghèo, neo đơn, gia đình chính sách trên địa bàn. Cũng có người đóng, người không, số thu có kỳ họp chẳng đáng bao nhiêu…
Quy định 76 ngày 15-6-2000 của Bộ Chính trị “Về việc đảng viên công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân ở nơi cư trú” quy định rất rõ 3 nhiệm vụ của người đảng viên, trong đó có việc tích cực tham gia các cuộc họp do đại diện cấp ủy phường, xã hoặc chi ủy nơi cư trú triệu tập, góp ý với chi ủy, đảng ủy nơi cư trú về các công việc chung của địa phương. Người đảng viên dù ở đâu cũng thể hiện trách nhiệm, hết lòng, hết sức lo cho dân.
Đối với các cấp ủy ở địa phương, cũng cần thường xuyên đổi mới hình thức và nội dung các cuộc họp chi bộ, tránh nhàm chán, đơn điệu, “đi họp chỉ để đóng tiền” như nhiều đảng viên góp ý.
Cần có những diễn đàn chuyên đề theo chủ đề và yêu cầu phát triển của địa phương, để đảng viên dự họp thảo luận, đóng góp, hiến kế các giải pháp về xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Cũng thông qua các cuộc họp này, làm sao để đảng viên nắm bắt được tình hình ở địa phương, những quan tâm, bức xúc của nhân dân về đời sống dân sinh, về thực hiện các chính sách phát triển.
Qua đó, kiến nghị với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp có biện pháp giải quyết kịp thời, đáp ứng với mong mỏi của nhân dân.