Pháp lệnh Dân số hiện hành không có quy định bắt buộc, hay yêu cầu người dân phải sinh bao nhiêu con, việc sinh bao nhiêu con là quyền của mỗi công dân, mỗi gia đình. Tuy nhiên từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII năm 1993 đến nay, chúng ta có chính sách vận động mỗi gia đình nên có từ 1-2 con và với những người là Đảng viên thì vào năm 2008 trong Nghị quyết 94 của Trung ương Đảng có quy định hình thức kỷ luật cảnh cáo với Đảng viên sinh con thứ 3, khai trừ Đảng viên sinh con thứ 4. Và từ năm 2013 tới nay, chính sách đã được nới ra, Đảng viên sinh con thứ 3 chỉ bị khiển trách, thứ 4 cảnh cáo và thứ 5 mới khai trừ.
Rõ ràng việc chúng ta bảo đảm quyền sinh con của người dân, không quy định khống chế số con của mỗi người, nhưng vẫn có chính sách vận động linh hoạt và hình thức xử lý vi phạm đối tượng cụ thể là nhằm giữ sự ổn định về phát triển dân số của đất nước. Vì vậy, từ năm 2006 cho tới nay, suốt hơn 10 năm qua, Việt Nam luôn duy trì ổn định mức sinh thay thế với tỷ lệ 2-2,1 con/mẹ đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Mức sinh đang có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền gây ảnh hưởng tới công tác dân số Mặc dù Việt Nam đã và đang đạt được mức sinh thay thế, đây là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Tuy nhiên thực tế cho thấy, mức sinh ở nước ta đang bắt đầu có chiều hướng giảm và có sự chênh lệch nhau giữa các vùng miền.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, hiện nay tại miền Bắc mức sinh ổn định và một số địa phương có chiều hướng tăng nhưng khu vực miền Nam tỷ lệ sinh vẫn có xu hướng đi xuống.
Hiện nay mức sinh ở khu vực Đông Nam Bộ dưới 1,7 con/ mẹ, Đồng bằng Sông Cửu Long là 1,8 con và đặc biệt TPHCM chỉ ở mức 1,45 con/mẹ. Trong khi đó, dân số nước ta đang già hóa rất nhanh, nếu mức sinh thấp tiếp tục diễn ra và kéo dài thì tương lai không xa, Việt Nam sẽ bị thiếu hụt lực lượng lao động, thời kỳ dân số vàng sẽ nhanh chóng trôi qua, gây ra những bất lợi không hề nhỏ cho sự phát triển của đất nước.
Cùng với mức sinh thấp tại nhiều nơi, dân số Việt Nam đang phải đương đầu với tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, tình trạng "thừa nam, thiếu nữ" khi sinh tại Việt Nam xảy ra ở hầu hết các địa phương. Trong đó, Đồng bằng Sông Hồng là vùng xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nhiều nhất với tỷ lệ là 115 bé trai/100 bé gái.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, trong đó chủ yếu do tâm lý muốn có con trai, định kiến giới, "trọng nam khinh nữ", ưa thích con trai để nối dõi tông đường. Tiếp theo là sự phát triển của khoa học công nghệ y học tiên tiến làm cho việc lựa chọn giới tính trước khi sinh ngay từ lần sinh đầu tiên cũng trở nên phổ biến.
Cùng với đó, việc hạn chế mức sinh cũng làm tăng lựa chọn giới tính khi sinh. Đáng báo động, tình trạng "nam thừa, nữ thiếu" đang dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng cho tương lai và phát triển giống nòi.
Theo tính toán, chỉ ít năm nữa nước ta sẽ thiếu khoảng 2,3-4,3 triệu phụ nữ hay nói cách khác là 2,3-4,3 triệu đàn ông Việt sẽ có nguy cơ khó lấy được vợ. Tệ hơn việc thiếu phụ nữ, thừa đàn ông sẽ dẫn tới những hệ lụy xã hội, nhất là tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em gái, bạo lực tình dục gia tăng.
Trước bối cảnh dân số phải đối mặt với nhiều vấn đề thách thức, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa ban hành Nghị quyết về công tác Dân số trong tình hình mới khẳng định quan điểm dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.
Chính sách dân số phải bảo đảm cân bằng, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của mọi người dân; giữa việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với thực thi nghiêm kỷ cương pháp luật; giữa việc mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật mới với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.
Đồng thời, Nghị quyết của Đảng cũng đặt ra mục tiêu cụ thể là giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Phấn đấu tới năm 2030 duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người. Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống.
Làm tốt công tác dân số trong tình hình mới sẽ giúp thế hệ tương lai của đất nước được phát triển toàn diện hơn Rõ ràng sinh bao nhiêu con là quyền của mỗi người dân nhưng việc sinh con cũng đòi hỏi bản thân mỗi người, mỗi gia đình phải thể hiện rõ ràng trách nhiệm trước giống nòi, xã hội, cũng như sự ổn định và phát triển của đất nước và dân tộc. Bản thân mỗi người, mỗi gia đình không chỉ đảm bảo việc sinh đủ 2 con mà cũng cần thay đổi quan niệm, xóa bỏ suy nghĩ "trọng nam khinh nữ", yêu thích con trai.
"Đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân số, nhất là sinh đủ 2 con, chú trọng nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội..."- Nghị quyết chỉ rõ.
Cùng với đó, để triển thực hiện tốt công tác dân số trong tình hình mới, đòi hòi sự thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp và cộng đồng cần sự chung tay đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới, đảm bảo nhân phẩm và các quyền con người của mỗi cá nhân, nhất là phụ nữ và trẻ em gái. Đồng thời các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần có các biện pháp mạnh mẽ, xử lý nghiêm khắc mọi hình thức, hành vi lựa chọn giới tính khi sinh và phá thai vì lựa chọn giới tính.
QUỐC LẬP