Chương trình biểu diễn mang tên “Nguồn gốc và nhịp điệu” đã được tổ chức tại Philippines vào tháng 11 năm ngoái. Màn biểu diễn dài 12 phút được chia ra thành 3 phần: 2 màn biểu diễn độc tấu của 2 nghệ sĩ và phân đoạn cuối diễn tả cảnh cặp tình nhân trong cổ tích này gặp lại nhau. Akileshwar đã nói rằng: Nghệ sĩ đến từ các quốc gia khác nhau thường có những cá tính, bản sắc truyền thống rất mạnh mẽ khiến họ khó có thể thoát ra được. Nhưng với Singapore, chuyện này có hơi khác, bởi đất nước này luôn thay đổi và bạn luôn có cơ hội để học hỏi những thứ mới. Chúng tôi có nhiều nền văn hóa đa dạng và điều đó tạo nên văn hóa chung của Singapore.
Theo Straits Times, “Nguồn gốc và nhịp điệu” là buổi mở màn cho chuỗi các sự kiện văn hóa hợp tác trong năm 2018. Giữ vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2018, Singapore sẽ đứng ra tổ chức phiên bản tiếp theo của buổi diễn với mục đích trình diễn những màn diễn hay nhất Đông Nam Á. Tháng 11 tới đây, Trung tâm Nghệ thuật quốc gia với sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa Singapore sẽ lại có chương trình với sự trình diễn của nhiều tài năng đến từ các nước Đông Nam Á thông qua biểu diễn và sáng tác âm nhạc đương đại.
Tương tự, các bảo tàng cũng giới thiệu tới khách tham quan những lát cắt trong văn hóa và nghệ thuật khu vực. Cũng trong tháng 11 tới, Bảo tàng Các nền văn minh ASEAN sẽ mở 3 triển lãm để trưng bày các tác phẩm liên quan tới nghệ thuật Hồi giáo, nghệ thuật Thiên Chúa giáo và một triển lãm mang tên “Tổ tiên và nghi lễ”. Triển lãm mới này sẽ trưng bày một loạt đồ vật thuộc về các bộ tộc miền núi và cộng đồng hàng hải Đông Nam Á. Một trong số các vật nổi bật sẽ được trưng bày là vật trang trí makara hiếm cho loại kiệu chỉ được dùng trong các nghi lễ của vùng Đông Bắc bán đảo Mã Lai, và một bức tượng gỗ từ Borneo mang hình dáng của loài chim mỏ sừng.
Ông Kennie Ting, Giám đốc của bảo tàng, cho biết: “Chúng tôi muốn ủng hộ việc Singapore làm Chủ tịch ASEAN năm nay với vai trò của một bảo tàng. Đó cũng là nguồn cảm hứng để chúng tôi hy vọng có câu trả lời cho câu hỏi đâu là bản sắc của ASEAN”. Khi làm việc để mở những triển lãm mới như thế, ông Ting rất cần sự giúp đỡ của các quốc gia láng giềng, và đôi khi là cả cộng đồng ngoại giao bởi “khi bạn làm việc với Đông Nam Á, dấu ấn riêng là rất quan trọng”.
Trung tâm Triển lãm quốc gia Singapore cũng góp phần trong việc giúp mọi người tiếp cận được khía cạnh ít người biết hơn về lịch sử nghệ thuật Singapore và Đông Nam Á. Việc này cũng giống như các triển lãm trước, khi trung tâm giúp khách tham quan hiểu thêm về sự phát triển sản phẩm của các họa sĩ từ Đông Nam Á vào thế kỷ thứ 19. Đó cũng là lần đầu khách tham quan được tận mắt nhìn những tác phẩm hiếm của 2 họa sĩ Raden Saleh và Juan Luna đến từ Indonesia và Philippines.
Quỹ Thanh niên Singapore - ASEAN, do Hội đồng Thanh niên quốc gia (NYC) lập từ năm 2007 cũng làm tốt phần việc của mình. David Chua, Tổng Giám đốc NYC, cho biết, quỹ gồm các em ở lứa tuổi 15-35, có tôn chỉ hành động là tăng cường kết nối, trao đổi giao lưu văn hóa hữu nghị giữa thanh niên các nước ASEAN. Không chỉ về văn hóa, quỹ gồm 200.000 thành viên trên toàn ASEAN còn triển khai các chương trình hợp tác, thúc đẩy giao dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường…