Theo trang Govinsider, hàng năm, chính phủ gửi hơn 100 triệu tin nhắn tới người dân, như thông báo điền vào biểu mẫu thuế, thông tin cập nhật về đơn đăng ký nhà ở công cộng hoặc lời nhắc tham dự các cuộc hẹn khám bệnh.
Tuy nhiên, kể từ ngày 1-7 tới, những tin nhắn SMS như vậy sẽ hiển thị “gov.sg” làm ID người gửi thay vì các cơ quan chính phủ riêng lẻ, chẳng hạn như “MOH” cho Bộ Y tế hoặc “Iras” cho Cơ quan Thuế vụ nội địa Singapore. Ngoài ID “gov.sg”, mọi tin nhắn văn bản sẽ bắt đầu bằng tên đầy đủ của cơ quan gửi đi và kết thúc bằng ghi chú nêu rõ đó là tin nhắn tự động của Chính phủ Singapore, để người nhận biết không cần trả lời tin nhắn đó.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ, theo đó tin nhắn văn bản từ Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ về các vấn đề dịch vụ quốc gia và dịch vụ khẩn cấp sẽ có ID người gửi khác nhau. ID người gửi “gov.sg” hiện áp dụng cho các tin nhắn được gửi qua SMS, nhưng không áp dụng cho các nền tảng nhắn tin khác như WhatsApp hoặc Telegram.
Theo Lực lượng Cảnh sát Singapore (SPF), gần 900 vụ lừa đảo mạo danh chính phủ đã được báo cáo vào năm 2023, với ít nhất 13 triệu SGD (9,5 triệu USD) thiệt hại chỉ trong tháng 12.
Trong những năm gần đây, một số sáng kiến đã được đưa ra để ngăn chặn các vụ lừa đảo qua SMS. Năm 2022, tất cả các ngân hàng ở Singapore đã xóa các liên kết có thể nhấp vào trong thư điện tử và SMS gửi tới khách hàng bán lẻ. Năm 2023, Cơ quan Phát triển truyền thông Infocomm đã yêu cầu tất cả các tổ chức gửi SMS có ID bằng chữ và số phải đăng ký ID người gửi SMS. Theo đó, tính đến tháng 4-2024, hơn 4.000 doanh nghiệp - bao gồm các tổ chức tài chính và các công ty thương mại điện tử - đã đăng ký.