Tùy vào từng nơi bán mà giá của một chiếc sim sẽ có sự chênh lệch khác nhau. Thông thường khi mua sim, người bán sẽ gợi ý khách hàng nạp thêm một số tiền nhỏ vào tài khoản, sau đó đăng ký các gói cước nhằm phát sinh dịch vụ, để có thể tiếp tục sử dụng được lâu hơn mà không lo bị nhà mạng khóa.
Tại một cửa hàng bán sim, điện thoại, thẻ cào trên đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh, TPHCM), khi nghe hỏi mua sim, chủ cửa hàng đưa ra nhiều sim đã kích hoạt sẵn, đầy đủ các nhà mạng, rao bán đồng giá chỉ 79.000 đồng/sim và giới thiệu: “Ví dụ như sim một nhà mạng nọ, khi mua về, chỉ cần nạp thêm 100.000 đồng vào tài khoản. Sau đó đăng ký gói cước là có thể sử dụng 1.000 phút gọi nội mạng, 50 phút ngoại mạng, và 4G data/ngày, được sử dụng liên tục trong vòng 2 tháng. Sau 2 tháng, nạp tiền vào tài khoản và tiếp tục sử dụng dịch vụ bình thường”.
Chiêu trò phổ biến nhất được các đại lý sử dụng chính là khai man thông tin cá nhân, sử dụng thông tin cá nhân của người khác để đăng ký sim. Hiện nay, trên mạng xã hội cũng xuất hiện một số đại lý bán sim, thường xuyên tuyển các bạn sinh viên đứng bán sim ở các giao lộ trên địa bàn TPHCM với mức thù lao hấp dẫn và ăn hoa hồng theo sản phẩm. Chính vì mức lợi nhuận cao, nên một số chủ cửa hàng vẫn tìm cách lách luật, bán sim kích hoạt sẵn.
Sim kích hoạt sẵn là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thuê bao ảo, phát tán tin nhắn rác làm bức xúc dư luận trong thời gian qua. Để quản lý tốt và ngăn chặn tình trạng tin nhắn rác, mong các cơ quan quản lý và các nhà mạng cần có ngay các biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc quản lý nguồn sim kích hoạt sẵn trên thị trường, thay vì chỉ bắt người dùng đi bổ sung thông tin cá nhân.