Sáng 1-10, dự báo nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng khi TP nới lỏng giãn cách nên từ 30-9, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã chủ động tăng lượng hàng hóa, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, rau củ quả.
Tại hệ thống cửa hàng tiện lợi, hàng hóa được chất đầy các kệ từ ngoài hiên vào bên trong, phía trước hành lang cửa được chia ô khoảng cách và có ghế ngồi đợi cho khách hàng. Tuy nhiên, khác với dự báo, lượng khách đến mua trong ngày đầu không quá đông nên không xảy ra cảnh chờ đợi. Đã quá 12 giờ trưa nhưng lượng rau xanh lẫn hàng tương sống tại một số cửa hàng tiện lợi vẫn còn khá nhiều…
Trong khi đó, ghi nhận tại hệ thống siêu thị như Co.opmart, BigC, Lotte Mart…, lượng khách hàng có khá hơn, xe máy lẫn ô tô chiếm phần lớn bãi đậu, nhưng cảnh mua bán diễn ra khá nhanh chóng, thuận lợi.
Tại Co.opmart Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12), nhân viên bảo vệ trực ở cửa để kiểm tra khách hàng qua mã QR, trường hợp không có, người dân sẽ khai báo y tế bằng giấy, sau đó vào mua hàng bình thường.
Cũng tại quận 12 giáp ranh quận Gò Vấp, siêu thị MM Mega Market, lượng khách hàng đến mua sắm tương đối đông. Tại đậy, nhân viên bảo vệ được trang bị thêm máy đo thân nhiệt cho khách hàng trước khi vào mua sắm. Siêu thị tổ chức một lối vào và lối ra riêng biệt. Bên trong hệ thống này, hàng hóa khá dồi dào. Theo quan sát, khách hàng đến mua sắm khá trật tự và giữ khoảng cách với nhau khi mua sắm.
Nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi cho biết, trong ngày đầu TPHCM nới lỏng giãn cách nhưng lượng đơn hàng của khách hàng đặt mua trực tuyến qua điện thoại, mạng xã hội vẫn không giảm.
Hiện nay, dù được phép mở cửa bình thường trở lại nhưng hầu hết siêu thị, cửa hàng tiện lợi chỉ phục vụ các mặt hàng thiết yếu, chưa mở lại các khu vực giải trí, ẩm thực tại chỗ. Do vậy, lượng khách hàng đi mua sắm cũng tranh thủ thời gian để về nhà sớm.
Trước đó, Sở Công thương TPHCM cũng dự báo sau thời điểm 1-10, nhu cầu đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa sẽ được tạo điều kiện thông thoáng hơn, việc mua sắm hàng hóa mở dần, khả năng gây áp lực cục bộ lên các chợ đầu mối và hệ thống phân phối hiện đại.
Do vậy, để tránh tình trạng ùn ứ cục bộ ở các điểm mua sắm, sở đã có văn bản yêu cầu các quận, huyện phải rà soát, đánh giá và hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức mở cửa trở lại các điểm bán như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống, vốn đang tạm dừng hoạt động phục vụ để công tác phòng, chống dịch Covid-19, trên nguyên tắc an toàn đến đâu mở cửa đến đó.
Sở Công thương cũng đã có văn bản yêu cầu những doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn của TPHCM không được tăng giá các mặt hàng, đặc biệt là hàng thiết yếu. Đây là cơ sở quan trọng để nhiều hệ thống bán lẻ giữ nguyên, thậm chí có nhiều mặt hàng giảm giá ngay trước, trong và sau thời gian TPHCM nới lỏng giãn cách.