TPHCM: Chỉ tăng nhẹ giá đồ cúng
Ghi nhanh trong ngày 13-1 (22 tháng Chạp), giá nhiều mặt hàng cúng ông Công, ông Táo tăng nhẹ. Tại chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận), cúc vạn thọ có nhiều khách quan tâm hỏi mua, giá dao động 15.000-20.000 đồng/bó (4-5 bông); thanh long giá 40.000-45.000 đồng/kg; vú sữa 45.000 đồng/kg; quýt đường 40.000-50.000 đồng/kg… Mức giá này, so với ngày thường đã tăng từ 3.000-5.000 đồng/kg.
Tại chợ Bến Thành (quận 1), các mặt hàng trái cây cúng ông Công, ông Táo cũng tăng giá 10-15% so với ngày thường. Chẳng hạn quýt tiều loại 1 tăng 10.000 đồng/kg so với ngày 12-1, ở mức 75.000 đồng/kg; quýt đường loại 1 ở mức 90.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg so với ngày 12-1); nhãn, táo và lê Trung Quốc cũng tăng 5.000 đồng/kg, lần lượt ở mức 45.000 đồng và 55.000 đồng/kg…
Chị Nguyễn Hoa, tiểu thương kinh doanh tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) cho hay, giá một số mặt hàng trái cây cúng tăng 10-15% so với ngày thường, nhưng hiện tại sức mua chỉ nhỉnh hơn ngày thường 5-10%.
Trong khi đó, đại diện một số chợ đầu mối như Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức thông tin, hàng hóa về chợ đêm 12 rạng sáng 13-1 ổn định. Cụ thể, với chợ Hóc Môn, quýt đường miền Tây giá 30.000 đồng/kg, nhãn quế 30.000 đồng/kg, cam sành 12.000 đồng/kg…
Với mặt hàng cá chép phóng sinh, tiểu thương tại chợ Bình Điền đang bán giá 70.000-120.000 đồng/kg, tùy kích cỡ. Đối với một số chợ lẻ, tiểu thương bán theo con, ở mức 15.000-30.000 đồng/con, tùy kích cỡ. Năm nay, dịch vụ mâm cúng trọn gói cho khách hàng bận rộn có giá 1-3 triệu đồng, gồm đủ món như gà luộc, giò lụa, nem cua bể… Các mâm cúng chay có giá “mềm” hơn, từ 500.000 đồng/mâm trở lên, với trái cây, hoa tươi, bánh chưng chay… Tùy theo yêu cầu, khách hàng có thể đặt mâm cúng phù hợp khẩu vị của từng vùng miền, với nhiều mức giá khác nhau.
Hà Nội: Người dân đổ xô sắm tết sớm
Theo khảo sát của phóng viên Báo SGGP, khoảng 1-2 tuần gần đây, hầu như các siêu thị lớn, trung tâm mua sắm ở Hà Nội đều quá tải, người chen người đi sắm tết, có nơi xếp hàng đến 22-23 giờ trước quầy thanh toán.
Siêu thị BigC Thăng Long (quận Cầu Giấy) cũng như chuỗi hệ thống Tops Market ở đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân) và ở quận Hà Đông, trước đây thường chỉ đông đúc vào cuối tuần, nhưng hiện nay, ngày thường cũng rất đông. Các khu vực tập trung nhiều khách mua sắm, lựa hàng là khu trưng bày các loại bánh kẹo, mứt tết, trái cây sấy dẻo, trái cây tươi và rau củ… Nhiều người cho biết, sau Tết Dương lịch là Tết Nguyên đán đến nhanh, nhiều doanh nghiệp năm nay cũng thưởng tết sớm nên tranh thủ đi sắm tết cho khỏi cập rập và chen chúc. Tuy nhiên, các siêu thị lại đông khác thường so với dự đoán.
Tại hệ thống siêu thị Winmart, siêu thị Co.opmart trên đường Trần Phú (quận Hà Đông) cũng như Lotte Mart, Mega Market… những ngày gần đây, khách mua chật cứng vào buổi tối. Theo ông Lê Văn Liêm, Giám đốc khu vực miền Bắc thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), lượng khách đến các siêu thị của Saigon Co.op tăng khoảng 30% so với ngày thường. Còn theo đại diện Công ty TNHH Dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce, từ đầu tháng 12-2022 đến nay, sức mua tại hệ thống WinMart/WinMart+ tăng dần nhưng cao điểm là từ tuần thứ 2 của tháng 1 đến sát Tết Nguyên đán.
Cố gắng giữ giá lương thực, thực phẩm
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ngày 13-1, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) Phan Văn Dũng cho biết, các đối tác đầu vào đã ký cam kết về việc giữ giá nguồn nguyên liệu tươi sống (chủ yếu là thịt heo) ổn định trong 3 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Còn với thực phẩm chế biến, Vissan đã triển khai công tác dự trữ nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất từ tháng 6-2022, do vậy về nguồn cung lẫn giá cả luôn đảm bảo sẵn sàng phục vụ nhu cầu người dân mua sắm tết.
Đặc biệt, trong 3 ngày, từ 28 đến 30 Tết, Vissan tung ra chương trình khuyến mãi giảm giá mạnh các sản phẩm chế biến và tươi sống 5-30% tại các siêu thị và điểm bán của doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho người lao động có điều kiện mua sắm thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn. Tương tự, hệ thống bán lẻ thuộc Saigon Co.op cho biết, giảm giá, khuyến mãi liên tục hàng ngày từ nay đến Tết Nguyên đán, giảm giá trực tiếp đến 50% hàng ngàn sản phẩm thiết yếu phục vụ tết và có thể giảm giá sâu hơn trong 10 ngày cận tết để giảm áp lực mua sắm cho người dân.
Các hệ thống siêu thị như Satra, MM Mega Market, Emart, Lotte Aeon… cũng cam kết giữ giá tốt cho hàng nhu yếu phẩm và đặc trưng ngày tết. Đồng thời, tăng nguồn cung các mặt hàng bình ổn giá, tập trung ở hàng thực phẩm thiết yếu, thực phẩm tươi sống. Đơn cử, từ nay đến cuối năm 2023, hệ thống các điểm bán lẻ của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra) giảm giá hơn 3.000 mặt hàng, mức giảm đến 72%. Trong khi đó, đại diện các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức cho biết giá cả hàng hóa thường biến động những ngày cận tết và do thị trường quyết định. Do vậy, ngoài quy định các tiểu thương phải niêm yết giá công khai, chợ còn lập tổ kiểm tra, tuyên truyền vận động giữ ổn định giá nhằm hỗ trợ người dân trước tình hình kinh tế còn khá khó khăn và được các tiểu thương hưởng ứng ký cam kết.
Sở Công thương TPHCM đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức lực lượng trực ban, theo dõi, nắm chắc diễn biến thị trường, giá cả mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng tết của người dân; kịp thời báo cáo và đề xuất phương án xử lý khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa trên địa bàn. Đồng thời, đề xuất và hỗ trợ tổ chức bán hàng lưu động, thêm điểm phân phối tại địa bàn có mạng lưới điểm bán chưa đáp ứng nhu cầu người dân, ưu tiên thực hiện tại các huyện, khu vực tập trung đông công nhân. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định nhà nước về giá hàng hóa tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích.