Theo đó, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội cho rằng, hành vi của bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành (39 tuổi, ở TP Hà Nội) và nhiều cựu cán bộ các ngân hàng có mức sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội trong thời gian dài, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của các tổ chức tín dụng và những người gửi tiền.
Trong vụ án, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành là người chủ mưu, cầm đầu, dùng nhiều thủ đoạn và nhiều lần thực hiện các hành vi gian dối để ngân hàng tin tưởng, cho vay tiền.
Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành. Ảnh: ĐỖ TRUNG |
Từ nhận định trên, đại diện viện kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành mức án chung thân;
Đề nghị tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương (Trưởng bộ phận khách hàng Phòng giao dịch Đông Đô Ngân hàng TMCP Việt Á - VietAbank) và Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô của VietAbank) cùng mức án 16-18 năm tù;
Bị cáo Quản Trọng Đức (Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Trưởng phòng giao dịch Đông Đô của VietABank) bị đề nghị 15-17 năm tù;
Bị cáo Nguyễn Thanh Tùng (lao động tự do) bị đề nghị 15-16 năm tù;
Các bị cáo khác bị đề nghị từ 30 tháng đến 36 tháng tù treo đến 13-15 năm tù.
Về dân sự, viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành bồi thường cho VietABank 248,9 tỷ đồng, bồi thường cho Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVcombank) 49,4 tỷ đồng, bồi thường cho Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) 47,5 tỷ đồng…
Trong vụ án, quá trình xét hỏi, viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên VietABank trả lại cho ông Đặng Nghĩa Toàn 20 tỷ đồng, NCB trả lại cho ông Đặng Nghĩa Toàn 50 tỷ đồng, PVcombank trả cho ông Đặng Nghĩa Toàn 52 tỷ đồng.
Bản luận tội cho rằng, trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ vụ án và diễn biến xét xử, có đủ căn cứ xác định bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành và Nguyễn Thanh Tùng (đồng sở hữu Công ty Eurocell Việt Nam) cùng làm ăn nên quen biết nhau. Năm 2017, doanh nghiệp này dừng hoạt động nhưng bị cáo Tùng vẫn giữ con dấu, hồ sơ công ty. Sau đó, Thành và Tùng sử dụng pháp nhân này để vay tiền của các ngân hàng.
Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: ĐỖ TRUNG |
Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành muốn có vốn đầu tư kinh doanh nên vay những người có tiền với lãi suất cao, hoặc đề nghị người gửi tiền tiết kiệm đồng sở hữu vào các ngân hàng. Sau đó, bị cáo đề nghị đồng sở hữu đưa sổ tiết kiệm cho mình quản lý.
Tại VietABank, Nguyễn Thị Hà Thành trực tiếp bàn với Nguyễn Thị Thu Hương, được sự giúp sức của Quản Trọng Đức và một số cựu cán bộ ngân hàng, giả mạo chữ ký của các đồng sở hữu trên giấy đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng hoặc hợp đồng thế chấp số dư tiền gửi... Qua đó, bị cáo chiếm đoạt của ngân hàng gần 274 tỷ đồng và 63 tỷ đồng của các cá nhân.
Với NCB, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành vay của ông Đặng Nghĩa Toàn (khách hàng gửi tiền) hàng chục tỷ đồng bằng hình thức yêu cầu ông Toàn gửi tiền tiết kiệm rồi đưa sổ cho bị cáo giữ. Sau đó, Thành cấu kết với đồng phạm, lợi dụng sự thiếu trách nhiệm của nhân viên ngân hàng, giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn để cầm cố sổ tiết kiệm vay 47,5 tỷ đồng của NCB.
Thủ đoạn này cũng được Nguyễn Thị Hà Thành tiến hành tương tự tại PVcombank để chiếm đoạt tiền.