- Lũ tại ĐBSCL năm nay có thể đạt mức lũ lịch sử năm 2000
(SGGP).- Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương và các đài khí tượng trong khu vực châu Á, hiện nay cơn bão Jelawat đã phát triển lên thành siêu bão, cường độ cực mạnh. Trong khi đó, vùng áp thấp ở bên ngoài cũng vừa phát triển lên thành cơn bão có tên quốc tế Ewiniar hoạt động tương tác với bão Jelawat, vì vậy đang có nguy cơ làm bão Jelawat đổi hướng, ngoặt vào biển Đông. Ngoài ra, cả hai cơn bão sẽ kéo gió mùa Tây Nam ở Nam bộ mạnh dần lên, thời tiết Nam bộ rất xấu.
Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương cũng cho biết: Lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long đang lên, dự báo đỉnh lũ cao nhất năm sẽ xuất hiện vào những ngày đầu tháng 10 và có khả năng đạt mức xấp xỉ mùa lũ lịch sử năm 2000 (với 539 người chết, hơn 62.000 hộ dân phải dời nhà ở, hơn nửa triệu người phải cứu trợ khẩn cấp... tổng thiệt hại trên 4.600 tỷ đồng).
8 tỉnh vùng lũ tại ĐBSCL gồm: An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang và Kiên Giang đang khẩn trương rà soát mức độ an toàn tại các khu dân cư, trường học ven sông, ven kênh rạch, các khu vực có khả năng ngập lụt và đề ra phương án chủ động sơ tán, di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập sâu.
Ở Nam bộ và Nam Trung bộ hiện còn chịu ảnh hưởng của một dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 13 - 16 độ vĩ Bắc kèm theo gió mùa Tây Nam, vì vậy khu vực Nam biển Đông, vùng biển quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh tới cấp 6 - 7, gây mưa dông mạnh, cần phải đề phòng lốc xoáy.
Văn Phúc