Chấn chỉnh tác phong cán bộ
Vừa qua, UBND TPHCM đã lập đoàn kiểm tra, khảo sát đột xuất công tác cải cách hành chính tại một số đơn vị trực thuộc. Kết quả cho thấy việc giải quyết hồ sơ đảm bảo chỉ tiêu chung của TP. Tuy nhiên, hồ sơ trong lĩnh vực thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng… vẫn trễ hẹn. Theo quy định, chính quyền phải gửi thư xin lỗi. Trong số những đơn vị đoàn kiểm tra, huyện Hóc Môn chưa làm tốt công việc trên. Sau khi bị nhắc nhở, lãnh đạo huyện nhận trách nhiệm và sửa lỗi khi buổi làm việc kết thúc. Theo ghi nhận, các đơn vị được kiểm tra thực hiện nghiêm chỉ đạo cán bộ, công chức làm việc thêm vào sáng thứ bảy hàng tuần để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trong phạm vi quyền hạn.Đoàn công tác đề xuất UBND TPHCM chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị tích cực kiểm tra đột xuất về tác phong, thái độ làm việc của cán bộ và xử lý nghiêm những cá nhân thiếu tôn trọng, nhũng nhiễu doanh nghiệp, người dân. Trong thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ trình ban hành quyết định quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP. Đây là căn cứ để chấn chỉnh những cá nhân, tập thể chưa hoàn thành trọng trách.
Đoàn công tác cũng ghi nhận ý kiến từ sở ngành về việc sử dụng phần mềm đăng ký và quản lý chuyên môn do cấp trung ương quản lý, nên cán bộ, lãnh đạo bị động trong việc quản trị, khai thác dữ liệu TP quản lý. Chưa kể, cơ sở dữ liệu giữa các ngành, lĩnh vực chưa liên thông, tốc độ đường truyền khá chậm, chương trình thường xuyên gặp lỗi. Những rào cản trên phần nào ảnh hưởng đến công việc tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính. Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng hồ sơ trễ hẹn là nhiều văn bản, quy định chồng chéo, mỗi UBND quận, huyện đầu tư một hạ tầng công nghệ khác nhau…
Ông LÊ HOÀI TRUNG, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM
Mở rộng kết nối hệ thống một cửa điện tử
TPHCM đang rà soát việc cập nhật, bổ sung các mục/chuyên mục, nội dung thông tin và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của các đơn vị. Bên cạnh đó, TP triển khai hệ thống đánh giá sự hài lòng của tổ chức và người dân tại địa chỉ https://danhgiahailong.hochiminhcity.gov.vn/, địa chỉ liên kết trên trang thông tin điện tử TP (Hochiminh Cityweb), trang thông tin điện tử các sở, UBND quận - huyện và cổng dịch vụ công trực tuyến. Người dân cũng có thể đánh giá trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả qua các trang thiết bị như kiosk, máy tính bảng.
Tính từ tháng 4-2016 đến tháng 8-2017, hơn 3.100 lượt người tham gia đánh giá trên hệ thống về mức độ hài lòng với dịch vụ công và hơn 11.500 lượt đánh giá cán bộ, công chức. Sở Thông tin và Truyền thông đã giao đơn vị chuyên môn khảo sát trực tiếp tại các đơn vị để theo dõi tình hình triển khai thực hiện đánh giá mức độ hài lòng. Nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, sở tiếp tục hỗ trợ và đôn đốc các đơn vị tuyên truyền, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả hệ thống đánh giá sự hài lòng. Hệ thống ISO điện tử, kết hợp với quản lý trang thông tin một cửa tại các đơn vị phục vụ lãnh đạo giám sát tình trạng xử lý hồ sơ, nhận biết nguyên nhân trễ hạn qua báo cáo tổng hợp tự động.
Trong thời gian tới, nhằm phục vụ nhu cầu nhanh, gọn thủ tục hành chính, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai dịch vụ công mức độ 3 và 4, kết hợp dịch vụ nhận và chuyển phát hồ sơ qua bưu điện; từ đó đề xuất biện pháp thúc đẩy; mở rộng kết nối hệ thống một cửa điện tử TP với hệ thống một cửa liên thông của các sở ban ngành, địa phương.
Ông DƯƠNG ANH ĐỨC, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM
Đừng ứng dụng “công nghệ nửa mùa”
Trên thế giới, xu hướng công nghệ là trao dịch vụ tận tay khách hàng. Chính quyền điện tử thực thụ phản chiếu hình ảnh người dân biết chắc chắn mình sẽ nhận kết quả sau từ 10 - 20 phút lấy số thứ tự. Người dân liên hệ một lần. Chính quyền tận dụng thời gian, giải quyết nhanh, dứt điểm yêu cầu từ dân. Ở TPHCM, người dân bấm số xong cũng không biết cụ thể lúc nào hồ sơ đến tay chính quyền.
Nói cách khác, ở TPHCM, chính quyền điện tử chỉ thể hiện rõ vai trò từ khi bộ hồ sơ qua khung cửa kính, đến tay cán bộ và những phòng ban. Người dân, doanh nghiệp chưa thấy bóng dáng chính quyền điện tử ở bộ phận tiếp nhận hồ sơ. Trong khi, đây là nút thắt gần dân nhất. Ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính không nên dừng ở việc hỗ trợ chính quyền quản lý, mà cần tập trung nhiều hơn nữa đến nhu cầu người dân.
Cách chấm điểm cán bộ hiện nay thực hiện theo khung định sẵn, không phải là góp ý, phản biện. Vì thế, kết quả đo lường không thể tìm ra nguyên nhân cụ thể. Trong khi, việc phát sinh thủ tục trong quá trình hoạt động mới cần có sự đánh giá công bằng, thẳng thắn. Người dân, doanh nghiệp mong muốn nêu ý kiến, góp ý từ những câu chuyện, bài học có thật, cụ thể do mình vướng phải, hay chứng kiến, chứ không dừng ở thao tác chọn thang điểm. Vậy tại sao chính quyền không tương tác với người dân qua mạng xã hội (facebook, zalo...) thay vì cách đánh giá qua thang điểm. Lãnh đạo, từng cơ quan lập nhóm hay trang thông tin trên mạng xã hội và người dân phản ánh ý kiến comment (bình luận) về vướng mắc hay phê bình thái độ làm việc của cán bộ, công chức.
Ông VÕ ĐỖ THẮNG, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena
Ngăn thủ tục mới “trói chân”người dân, doanh nghiệp
Thủ tục trơn tru hay không phần nhiều do khâu vận hành, xử lý. Chính vì thế, việc đầu tiên TPHCM cần làm nếu muốn tinh gọn thủ tục là thay đổi nhiều hơn nữa nhận thức của người thực thi công vụ. Lực lượng trên nên nghĩ mình nhận lương để làm việc cho dân, không nên nhìn nhận vướng mắc của người dân trên tư thế người quản lý, giám sát. Từ những bài học gần đây, cơ quan nhà nước cần cẩn trọng trong tuyển dụng, cất nhắc và sửa đổi quy trình bổ nhiệm theo hướng chú trọng năng lực.
Hiện nay, một số cơ quan nhà nước vẫn xem quy định, điều kiện hoàn tất thủ tục hành chính là “tài sản riêng”. Do nội dung trong nhiều văn bản về làm thủ tục không rõ ràng nên người thừa hành dễ “lách” hoặc làm theo cảm tính, phát sinh tiêu cực. Những bất cập trong công tác cải cách hành chính, giải quyết hồ sơ thủ tục cho người dân, doanh nghiệp vẫn tiếp tục tồn tại nếu người giải quyết thủ tục thiếu tinh tế, quy định thiếu xuyên suốt.
Do đó, việc giảm thủ tục hành chính cần tiến hành theo hướng giảm quyền của người thi hành. Đối với những thủ tục luật chưa đề cập, nhưng không ảnh hưởng đến an ninh, chủ quyền, lợi ích quốc gia, thì giải quyết ngay cho dân chứ không chỉ dân đi hướng khác. Những thủ tục không đóng vai trò trong công tác quản lý, giám sát, mà không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích các bên thì nên thẳng tay xóa (hộ khẩu, gộp giấy chứng nhận đầu tư vào giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...). Không chỉ vậy, trong quá trình lược bớt, cơ quan chức năng không thể quên trách nhiệm ngăn cản những thủ tục chuẩn bị có hiệu lực có nguy cơ “trói chân” người dân, doanh nghiệp.
Hiện nay, một số cơ quan nhà nước vẫn xem quy định, điều kiện hoàn tất thủ tục hành chính là “tài sản riêng”. Do nội dung trong nhiều văn bản về làm thủ tục không rõ ràng nên người thừa hành dễ “lách” hoặc làm theo cảm tính, phát sinh tiêu cực. Những bất cập trong công tác cải cách hành chính, giải quyết hồ sơ thủ tục cho người dân, doanh nghiệp vẫn tiếp tục tồn tại nếu người giải quyết thủ tục thiếu tinh tế, quy định thiếu xuyên suốt.
Do đó, việc giảm thủ tục hành chính cần tiến hành theo hướng giảm quyền của người thi hành. Đối với những thủ tục luật chưa đề cập, nhưng không ảnh hưởng đến an ninh, chủ quyền, lợi ích quốc gia, thì giải quyết ngay cho dân chứ không chỉ dân đi hướng khác. Những thủ tục không đóng vai trò trong công tác quản lý, giám sát, mà không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích các bên thì nên thẳng tay xóa (hộ khẩu, gộp giấy chứng nhận đầu tư vào giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...). Không chỉ vậy, trong quá trình lược bớt, cơ quan chức năng không thể quên trách nhiệm ngăn cản những thủ tục chuẩn bị có hiệu lực có nguy cơ “trói chân” người dân, doanh nghiệp.
Luật sư HÀ HẢI, Đoàn Luật sư TPHCM
Loại bỏ thủ tục mang tính hình thức
Trong lĩnh vực thực phẩm có rất nhiều quy định về tiêu chuẩn an toàn nhưng lại không cụ thể, rõ ràng. Điều này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn dễ bị lợi dụng. Điển hình trong hoạt động sản xuất cà phê, quy định yêu cầu bảo quản cà phê cách mặt đất một khoảng cách nhất định. Nhưng quy định không nói rõ về dụng cụ dùng để kê bao, bịch cà phê. Vì vậy, khi đơn vị đặt cà phê lên trên những miếng gỗ thì có đoàn kiểm tra không có ý kiến. Nhưng lần sau, đoàn kiểm tra khác thì yêu cầu phải kê cà phê bằng dụng cụ làm từ nhôm hay nhựa. Thế là doanh nghiệp bị phạt mà không thể phản bác.
Cũng trong lĩnh vực này, doanh nghiệp phải làm chứng nhận hợp quy khi bắt tay sản xuất, kinh doanh cà phê (đây là hoạt động kiểm nghiệm, đánh giá và xác nhận chất lượng của sản phẩm). Một trong những điều kiện không thể thiếu của bộ thủ tục là phải có chứng từ chứng minh chất lượng sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp phải mang mẫu cà phê đến phòng thí nghiệm phân tích, khẳng định mẫu cà phê an toàn, đủ chất lượng bổ sung vào bộ hồ sơ.
Thế nhưng, công đoạn xét nghiệm, chờ, trình kết quả chỉ gây tốn kém chi phí, mất thời gian, còn tờ giấy xác nhận kết quả thí nghiệm không đóng vai trò trong hoạt động của công ty cũng như công tác giám sát của cơ quan chức năng. Bởi vì, chủ doanh nghiệp có thể mang mẫu cà phê tốt đến phòng thí nghiệm nhưng sản phẩm bán ra thị trường không giống mẫu đó. Thực tế, không cán bộ nào căn cứ vào kết quả thí nghiệm sản phẩm mà quản lý chất lượng sản phẩm. Khi khách uống cà phê bị ngộ độc thì cơ quan chức năng vẫn truy trách nhiệm, dù mẫu cho chất lượng tốt. Vì vậy, cơ quan chức năng cần rà soát, loại bỏ các thủ tục vô nghĩa như trên.
Ông PHẠM LÊ TUẤN NGHĨA,
Giám đốc Công ty TNHH Người Thành Thị.