Hụt hẫng
Hiện nay, trên các diễn đàn mạng xã hội tràn ngập các thông tin bày tỏ lo lắng trước việc dừng các kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tại Việt Nam như chứng chỉ tiếng Anh (IELTS, TOEFL, PTE…), tiếng Nhật (NAT-TEST), tiếng Hàn (TOPIK)… Sinh viên V.T.L. (Trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia TPHCM), lo lắng: “Mình còn mỗi chứng chỉ ngoại ngữ là hoàn tất hồ sơ xét tốt nghiệp. Đầu tháng 11, mình đăng ký dự thi IELTS, nộp lệ phí 4,6 triệu đồng và nhận thông báo thi ngày 17-12 tại TPHCM. Tuy nhiên, đến ngày 10-11, mình nhận được email từ đơn vị tổ chức thông báo sẽ hoãn các kỳ thi IELTS cho đến khi có thông báo mới. Nếu như vậy mình sẽ không được xét tốt nghiệp vì chưa hoàn thành chuẩn đầu ra môn tiếng Anh”.
Sinh viên của nhiều trường ĐH tại TPHCM đăng ký thi các chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật trong tháng 11, tháng 12 cũng tỏ ra hết sức lo lắng vì không nộp chứng chỉ ngoại ngữ (chuẩn đầu ra) thì sẽ không đủ điều kiện để xét tốt nghiệp. L.T.T.T. (học sinh lớp 12, Trường THPT Bình Hưng Hòa) chia sẻ: “Năm 2023, mình dự tính thi vào ngành Đông phương học Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TPHCM), trường có ưu tiên xét thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ. Vì vậy, mình đăng ký dự thi để lấy chứng chỉ NAT-TEST vào tháng 12 năm nay. Tuy nhiên, mình cũng vừa nhận được thông báo tạm hoãn và chờ thông báo mới. Thật sự mình rất lo lắng, nếu không có thông tin mới chắc mình phải chuyển hướng sang ngành học khác”.
ThS La Thanh Hùng, Trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sài Gòn, cho biết: “Hiện nay, hầu như trường nào cũng quy định chuẩn đầu ra là ngoại ngữ trình độ quốc tế hoặc các chuẩn ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ châu Âu. Vì vậy, những sinh viên năm cuối sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều vì xét tốt nghiệp phải có chuẩn ngoại ngữ đầu ra”.
Phải đảm bảo quyền lợi cho sinh viên
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho rằng, việc dừng tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế do các trung tâm Anh ngữ không đáp ứng đủ các điều kiện theo Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Việc này một phần có sự chậm trễ của cơ quan quản lý cũng như các đơn vị tổ chức thi chưa đáp ứng kịp thời. Hy vọng các bên phối hợp giải quyết nhanh chóng để tạo thuận lợi cho người có nhu cầu. Về phía nhà trường, các đợt xét tốt nghiệp rơi vào tháng 7 và tháng 11 nên cũng không ảnh hưởng nhiều đến sinh viên. Để tạo thuận lợi cho sinh viên, nhà trường cho sinh viên lựa chọn giữa thi B1, B2 chuẩn châu Âu hay thi TOEIC, TOEFL.... Riêng thí sinh xét tuyển ĐH cho năm 2023 không nên lo lắng nhiều vì trường đưa ra điều kiện nhiều loại chứng chỉ ngoại ngữ, miễn là thí sinh có năng lực ngoại ngữ tốt là có điểm ưu tiên.
Theo lãnh đạo một trường ĐH tại TPHCM, thực tế các kỳ thi năng lực ngoại ngữ, trong đó có NAT-TEST (tiếng Nhật), Hán ngữ (HSK, HSKK), tiếng Hàn (TOPIK), vừa qua phải tạm hoãn ở Việt Nam. Những kỳ thi này các đơn vị sở hữu bài thi rất khắt khe trong việc lựa chọn đơn vị liên kết tại Việt Nam, đặc biệt xét về năng lực tổ chức. Việc chấp hành quy định của Bộ GD-ĐT về mặt quản lý là tất yếu. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT dường như hơi vội vàng, nếu có sự làm việc trước với các đơn vị tổ chức thi từ sớm để xác định lộ trình chuyển đổi, tránh bị động về thời gian dẫn đến phải hoãn thi nhiều đợt, tác động đến tâm lý và quyền lợi người học. Bộ GD-ĐT chỉ nên dừng những đơn vị tổ chức thi có nhiều tai tiếng để kiểm tra. Với những đơn vị tổ chức tốt, vẫn cho tổ chức thi và quy định thời hạn bổ sung hồ sơ theo quy định mới thì sẽ hợp tình, hợp lý hơn.
TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TPHCM, cho rằng, quyết định dừng tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ khiến một số sinh viên tốt nghiệp trễ nếu như đã định hướng lấy chứng chỉ quốc tế. Do đó, nếu sinh viên đang định hướng lấy chứng chỉ quốc tế để bổ sung điều kiện tốt nghiệp đợt này chắc sẽ phải chờ thêm 1 thời gian để xem các quyết định sắp tới của Bộ GD-ĐT, hoặc có thể chuyển hướng qua kỳ thi B1 theo khung châu Âu.
Trước những băn khoăn của người có nhu cầu thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và các cơ sở đào tạo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Những yêu cầu của Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT là cần thiết để đảm bảo chất lượng cũng như bảo vệ quyền lợi của người dự thi lấy chứng chỉ. Những yêu cầu trong thông tư không khó để các đơn vị thực hiện, chủ yếu là các quy định về đảm bảo tổ chức liên kết, đội ngũ, cơ sở vật chất, tính bảo mật, không chọn các đề vi phạm thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam”. Về thiệt hại của người học khi bị đảo lộn kế hoạch học tập và công việc khi không thể thi lấy chứng chỉ quốc tế, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết sẽ chủ động cùng các đơn vị rà soát, kiểm tra vướng mắc để cùng tháo gỡ, hỗ trợ để các đơn vị có thể tổ chức thi cấp chứng chỉ trở lại trong thời gian sớm nhất trên tinh thần đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, trung tâm đã thông báo tạm dừng tổ chức thi chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài từ giữa tháng 9-2022 để hoàn tất hồ sơ theo quy định của Bộ GD-ĐT. Trong thời gian tạm dừng tổ chức thi, trung tâm hỗ trợ thí sinh bảo lưu lệ phí, điều chỉnh cấp độ dự thi và thông tin thí sinh… Theo Sở GD-ĐT TPHCM, việc tạm dừng tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ theo Thông tư 11 của Bộ GD-ĐT do quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài. Việc hoãn thi không chỉ diễn ra với các chứng chỉ tiếng Anh mà còn đối với chứng chỉ tiếng Trung và tiếng Nhật. Sở sẽ tham mưu UBND TPHCM chỉ đạo UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện tăng cường rà soát, quản lý các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn; chỉ cho phép các tổ chức, cá nhân thực hiện việc tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài khi có quyết định phê duyệt hoặc gia hạn liên kết tổ chức thi của Bộ GD-ĐT. |