Với giải pháp này, ngành y tế và người dân có thể truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát được thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đồng thời chấn chỉnh tình trạng mua bán thuốc không theo đơn.
Mua bán thuốc quá dễ dãi
Dãy nhà thuốc trên đường Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội), kế Trung tâm Kinh doanh dược phẩm Hapulico, luôn tấp nập khách bất kể ngày đêm. Ghé vào một nhà thuốc có biển hiệu Q.A., một phụ nữ hỏi mua ít thuốc kháng sinh loại tốt cho con đang bị sốt và ho do thời tiết nắng nóng. Không hỏi đơn thuốc, loại thuốc nào cần mua, nhân viên nhà thuốc lục lọi các ô thuốc theo danh mục đã định sẵn, lấy được 4 - 5 loại thuốc để bán; còn khách hàng cầm vội bao thuốc, hỏi qua loa cách dùng rồi ra về. Đứng chờ ở đây chừng 30 phút, có hơn một nửa số khách hàng đến mua thuốc nhưng chẳng có toa thuốc hay chỉ định nào của bác sĩ. Họ cứ nói triệu chứng bệnh, nhân viên cửa hàng chọn thuốc rồi bán như đã định sẵn.
Mua thuốc ở một tiệm thuốc tây tại Hà Nội
Ghi nhận tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương cho thấy, nhiều trường hợp trẻ nhỏ ban đầu mắc các bệnh rất thông thường như ho, sốt, tiêu chảy, viêm phế quản... nhưng lại biến chứng nguy hiểm chỉ vì cha mẹ tự ý mua thuốc cho trẻ dùng bừa bãi. Mệt mỏi vì nhiều đêm thức trắng trông con BV, chị Hà (ở Vĩnh Phúc) lo lắng: “Ở nhà cháu chỉ húng hắng ho, cứ nghĩ cháu bị cảm cúm và viêm họng nên như mọi lần, tôi ra hiệu thuốc mua ít thuốc hạ sốt và kháng sinh cho cháu uống. Đến ngày thứ 3 cháu chẳng đỡ, thậm chí còn sốt rất cao và khó thở nên đưa cháu vào cấp cứu. Sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết cháu nhà tôi bị biến chứng viêm phổi nặng do uống thuốc không đúng chủng loại”.
TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết những trường hợp như con chị Hà khá phổ biến. Nhiều gia đình khi thấy trẻ mới chỉ hắt hơi, sổ mũi... đã ngay lập tức ra cửa hàng mua thuốc cho trẻ uống mà không cần chỉ dẫn theo đơn của bác sĩ, hoặc lấy lại đơn thuốc cũ hay tìm kiếm hướng dẫn trên mạng. Đây là việc làm rất nguy hại vì nếu dùng không đúng thuốc, đúng liều lượng rất dễ khiến bệnh thông thường biến chứng ra những bệnh nguy hiểm tới tính mạng.
Có thể truy xuất nguồn gốc thuốc
Theo thống kê của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), trên toàn quốc hiện có 41.394 cơ sở bán lẻ dược phẩm, trong đó 12.734 nhà thuốc tư nhân, 1.200 nhà thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh; 12.425 quầy thuốc, 7.300 đại lý. Hiện tất cả BV công lập, BV tư nhân đã thực hiện kê đơn trên máy tính liên thông với nhà thuốc BV, tuy nhiên chưa thể kiểm soát việc kê đơn của các phòng khám tư nhân và nhà thuốc tư nhân. Để siết hoạt động kinh doanh thuốc của các đối tượng này, Bộ Y tế đang tập trung thực hiện Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020”. Một trong những nội dung quan trọng trong đề án là triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng đối với các cơ sở bán lẻ dược phẩm nhằm bảo đảm truy xuất nguồn gốc thuốc.
Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, cho biết để thực hiện việc nối mạng liên thông các nhà thuốc, cục đã phối hợp với các cơ quan chức năng cập nhật, chuẩn hóa hơn 52.000/60.000 danh mục thuốc y tế, đồng thời tích hợp 2 nền tảng quản lý nhà thuốc GPP cho phép kết nối với các phần mềm nhà thuốc khác nhau. Khi đó, chỉ những loại thuốc đã quản lý trong phần mềm mới được bày bán. Như vậy vừa quản lý được chất lượng thuốc, tránh được thuốc giả và thuốc kém chất lượng tràn vào, vừa kiểm soát được giá thuốc. Phần mềm này cũng sẽ quản lý được việc bán và dùng kháng sinh bừa bãi của người bán lẫn người mua thuốc. Đặc biệt giúp hạn chế được tình trạng một người bán hàng chỉ có trình độ sơ cấp hay trung cấp dược mà tự ý tư vấn bán thuốc kháng sinh cho người mua, theo kiểu gợi ý đổi loại thuốc, tên thuốc vì cửa hàng mình không có loại kháng sinh đã kê đơn như hiện nay. Về phía người sử dụng, khi mua thuốc cũng có thể truy cập để biết được thuốc mua có nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng và cách dùng như thế nào.
Liên quan tới công tác giám sát, kiểm tra, đại diện Cục Quản lý dược cho biết, các nhà thuốc trong quá trình hoạt động, ngoài việc định kỳ phải kiểm tra thẩm định việc đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc 3 năm/lần, còn phải chịu sự kiểm tra đột xuất hoặc kiểm tra theo kế hoạch của các cơ quan chức năng... Các nhà thuốc nào không chấp hành việc nối mạng là vi phạm quy định và sẽ bị xử lý.
Hiện nay, Bộ Y tế đã hoàn thành tập huấn triển khai thí điểm phần mềm tại các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hưng Yên. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc triển khai thí điểm phải hoàn thành trong tháng 6-2018 và bắt đầu triển khai trên toàn quốc vào đầu tháng 7-2018. Phấn đấu trong năm 2018, hoàn thành việc kết nối đối với các nhà thuốc và trạm y tế xã; trong năm 2019 hoàn thành đối với các quầy thuốc, tủ thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc còn lại trên phạm vi cả nước. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát các thông tư về vấn đề quản lý, sử dụng thuốc, khắc phục tình trạng mua bán thuốc, dùng thuốc không theo đơn, lạm dụng kháng sinh, quy định các loại thuốc bắt buộc phải kê đơn và có lộ trình thực hiện về kê đơn đối với các loại thuốc khác.